Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) lần thứ 7 bế mạc sau hai ngày làm việc 18 và 19/6/2012, với việc thông qua Tuyên bố Los Cabos, trong đó nhấn mạnh ưu tiên tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Hội nghị được giới quan sát quốc tế đánh giá là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thu hẹp bất đồng, tìm tiếng nói chung hướng tới một giải pháp thỏa đáng cho căn bệnh trầm kha của nền kinh tế thế giới.
Với nỗ lực tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng, các nhà lãnh đạo G-20 đã trao đổi quan điểm và đạt được sự nhất trí đối với một loạt chủ đề, bao gồm: kiểm soát khủng hoảng Châu Âu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững, bơm thêm tiền cho IMF, chống nạn bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều khu vực, chú trọng giải quyết tình trạng đói nghèo và an ninh lương thực.
Kết thúc hội nghị, để củng cố lòng tin trong bối cảnh kinh thế giới còn phục hồi mong manh và khủng hoảng nợ công đang bao trùm Châu Âu, các nhà lãnh đạo G-20 đã cam kết chung tay hành động, nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu và giải quyết các căng thẳng trên thị trường tài chính hiện nay. Tất cả các thành viên G-20 sẽ triển khai các bước đi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và khôi phục lòng tin.
Cũng tại hội nghị, các nền kinh tế đang phát triển đóng góp khoảng 95,5 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giúp thể chế tài chính này nâng nguồn lực quỹ cứu trợ lên 456 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 430 tỷ USD của chính IMF. Theo một số nhà phân tích, hội nghị thượng đỉnh G-20 lần thứ 7 này đã thành công khi kết nối sự hợp tác giữa các quốc gia với các thể chế quốc tế toàn cầu, nhằm tìm ra giải pháp tiếp thêm sinh lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới, xua tan những lo sợ về nền kinh tế toàn cầu.
* Từ ngày 20 đến 22/6, thành phố Rio de Janeiro của Brazil lại trở thành tâm điểm của thế giới khi các nguyên thủ và đại diện của 190 trong tổng số 193 thành viên của Liên hợp quốc hội tụ về đây tham dự Hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững (Rio+20) - sự kiện được kỳ vọng trở thành hội nghị quan trọng nhất của tổ chức quốc tế này cho tới nay. Khoảng 50.000 người đến từ khắp thế giới tham gia các hoạt động này. Song song và xen kẽ với các cuộc họp chính thức là các sự kiện bên lề, gồm các hội nghị, triển lãm, các bài thuyết trình, hội chợ và họp báo của các quốc gia.
Rio+20 là diễn đàn để các chính khách, đại diện các giới doanh nghiệp, nông dân, các nhà khoa học, người bản xứ, công đoàn, thanh niên, phụ nữ,… đánh giá kết quả thực hiện những cam kết và thỏa thuận đạt được từ hội nghị lần thứ nhất cách đây 20 năm và thảo luận các biện pháp phát triển một nền kinh tế xanh góp phần giảm nghèo đói, thúc đẩy công bằng xã hội và bảo vệ môi trường tại hành tinh ngày càng trở nên chật chội trong hai thập kỷ tới.
Diễn ra vào thời điểm thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, như kinh tế lâm vào khủng hoảng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, đa dạng sinh học suy giảm và các hệ sinh thái tự nhiên suy thoái, Rio+20 lại càng có ý nghĩa và được đánh giá là cơ hội vàng để cộng đồng quốc tế định hướng chính sách và hành động thúc đẩy phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
* Về kinh tế, kết quả thăm dò của hãng tin Reuters, công bố ngày 21/6, cho thấy viễn cảnh của nền kinh tế toàn cầu có vẻ đang có chiều hướng u ám hơn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhận định này là do sự làm ăn ngày càng khó khăn hơn của khu vực kinh tế tư nhân thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đà phục hồi không vững chắc của nền kinh tế Mỹ cộng với tốc độ phát triển chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Xu hướng xấu hơn của nền kinh tế châu Âu và sự phát triển chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những nguyên nhân khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 20/6 đã quyết định kéo dài chương trình "Operation Twist", theo đó tiếp tục mua trái phiếu dài hạn ít nhất cho tới cuối năm 2014 để khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp vay và chi tiêu. FED cũng tuyên bố sẽ có thêm hành động nếu tình hình châu Âu diễn biến theo hướng nghiêm trọng hơn.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 21/6 tuyên bố hạ bậc tín nhiệm của 15 ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới với lý do triển vọng lợi nhuận và tăng trưởng dài hạn của các định chế tài chính này đang bị đe dọa. Việc Moody's công bố hạ bậc tín nhiệm được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang diễn biến ngày càng phức tạp, tăng trưởng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu chững lại cùng với những biến động mạnh trên các thị trường tài chính thế giới.
* Trong khi đó, kết quả bầu cử Quốc hội Hy Lạp hôm 17/6 đã giải tòa được mối lo không chỉ của châu Âu về việc Hy Lạp có thể rỏi bỏ khối Eurozone. Theo kết quả, Đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ đã giành được 128 ghế trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội Hy Lạp. Trong khi đó, Đảng Xã hội Pasok cũng giành được 33 ghế. Với kết quả trên, hai đảng này đã giành đủ số phiếu cần thiết để đứng ra thành lập chính phủ mới, qua đó giải tỏa nỗi lo Hy Lạp sẽ rút khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Trong suốt hơn ba năm qua, Hy Lạp luôn nằm trong tâm bão khủng hoảng nợ công. Nếu không có gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ Euro (138 tỷ USD) từ EU, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì Hy Lạp đã vỡ nợ cách đây 2 năm. Tuy nhiên, để nhận được “phao cứu sinh”, Hy Lạp buộc phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” như cắt giảm lương khu vực công và tư, cắt giảm lương hưu, y tế và quốc phòng... khiến người dân Hy Lạp nổi giận.
Đình công, mít tinh, biểu tình phản đối chính phủ xảy ra gần như “cơm bữa” đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu thêm vào khủng hoảng. Và như một hệ luỵ, không còn sự lựa chọn nào khác, Chính phủ Hy Lạp lại phải tiếp tục mạnh tay cắt giảm chi tiêu nhằm làm hài lòng các nhà tài trợ quốc tế để đổi lấy những gói cứu trợ mới trị giá hàng trăm tỷ Euro giúp đất nước thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Mặc dù quy mô nền kinh tế Hy Lạp chỉ chiếm 2,3% kinh tế của Eurozone, tương đương 0,4% kinh tế toàn cầu, thế nhưng những diễn biến tại quốc gia Nam Âu này lại được đánh giá là cực kì quan trọng, không chỉ tác động tới nền kinh tế của châu Âu, mà còn có tầm ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới, vốn đang phục hồi mong manh sau khủng hoảng. Hy Lạp có thể gây nên "cơn sóng thần tài chính" tác động tới toàn cầu, đẩy thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng mới.
Xét tổng thể về ảnh hưởng kinh tế với Eurozone, Hy Lạp là quốc gia nhỏ, nên việc nước này rút khỏi liên minh tiền tệ không gây tổn thất lớn về mặt kinh tế, thương mại. Song điều đáng lo ngại là ở chỗ, sự ra đi của Hy Lạp sẽ có tác động tàn phá, gây hiệu ứng "đôminô" ở Tây Ban Nha và Italia, kéo theo nguy cơ đổ vỡ của một liên minh tiền tệ vốn là niềm tự hào của một Châu Âu hiện đại đã tồn tại trong hơn một thập niên.
Giới phân tích đánh giá việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ khiến khu vực này ngay lập tức mất 350-400 tỷ Euro và giá trị nền kinh tế của toàn khu vực này có thể sẽ giảm 2%. Kịch bản này đồng thời sẽ gây chấn động cho thị trường tài chính quốc tế và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như năm 2008. Khi đó, chi phí hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương có thể lên tới 1.000 tỷ Euro.
Đây chính là lý do mà cả thế giới đã phải “nín thở” để dõi theo cuộc bầu cử Quốc hội lần này ở Hy Lạp.