Thế giới một tuần chống chọi với biến thể Delta

29/08/2021 - 22:01

Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới trong tuần qua vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, với số ca mắc mới tại nhiều khu vực từng khống chế được các đợt dịch trước đây đã tăng trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của chuyên trang worldometers.info, trong 7 ngày tính đến chiều 29-8-2021, số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 toàn cầu có chiều hướng giảm, với tỷ lệ giảm lần lượt là 2% và 0,5%. Tuy nhiên, tại nhiều khu vực hoặc tại các quốc gia trong mỗi khu vực, biểu đồ dịch bệnh lại không tương đồng, thậm chí còn trái ngược nhau. Số ca mắc mới chủ yếu gia tăng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi Nam Mỹ và châu Phi chứng kiến số ca mắc mới và tử vong giảm.

Châu Âu đang có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh khi những con số thống kê về số ca mắc mới COVID-19 và số trường hợp tử vong do căn bệnh này tăng mạnh kể từ cuối tháng 7. Số liệu trên worldometers.info cho thấy, lục địa này đã có thêm 889.420 ca mắc mới, tăng 0,3% so với tuần trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng 8% khi có thêm 10.044 người không qua khỏi. Giới chuyên gia lo ngại thời tiết lạnh hơn vào mùa Thu sẽ tạo điều kiện để đại dịch COVID-19 dễ lây lan hơn ở châu Âu, trong khi các hoạt động chào đón học sinh và sinh viên trở lại trường có thể khiến các trường hợp mắc mới COVID-19 tăng đột biến. Trước đó, giới chuyên gia cảnh báo tới cuối tháng 8, biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc mới COVID-19 tại Liên minh châu Âu (EU). 

Quốc gia châu Âu có dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất là Đức. Trong 7 ngày qua, giới chức y tế nước này xác nhận thêm gần 63.400 người mắc COVID-19, tăng 39% so với tuần trước đó, và 103 ca tử vong, tăng 53%. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức cho biết tỷ lệ số ca có kết quả xét nghiệm PCR dương tính trong tuần thứ hai của tháng 8 này đã tăng từ 4% lên 6%, trong đó những người trẻ tuổi hơn (từ 10-49 tuổi) là đối tượng nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất. RKI đánh giá nguy cơ rủi ro cao về sức khỏe đối với những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh. 

Không chỉ Đức, nhiều quốc gia Trung và Đông Âu như Hungary, Serbia, Slovenia, Romania, Anbania… cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng vọt trong 7 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ tử vong do COVID-19 tăng ở đa số các nước châu Âu.

Tại Bắc Mỹ và Caribe, tuy số ca mắc mới trong tuần qua đã giảm 3%, nhưng số trường hợp tử vong của khu vực này lại tăng 8%, khi có thêm 14.312 người không qua khỏi. Phần lớn các ca nhập viện và tử vong là người chưa tiêm đầy đủ.

Thống kê của ĐH Johns Hopkins cho thấy trung bình mỗi ngày có hơn 152.400 ca mắc mới COVID-19 mới tại Mỹ, nhiều gấp 13 lần so với cách đây 9 tuần, tập trung chủ yếu ở những bang có tỷ lệ người dân đi tiêm chủng thấp. Số ca tử vong mỗi ngày trung bình hơn 1.000 trường hợp, cao nhất thế giới. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhập viện vì COVID-19 của nước này đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau một tháng. Trong tuần qua, mỗi giờ trung bình có đến 500 người tại Mỹ phải vào viện vì COVID-19. Hiện có khoảng 101.500 người mắc COVID-19 đang phải điều trị trong bệnh viện, mức cao nhất kể từ đỉnh dịch hồi tháng 1-2021, gây áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế công cộng ở Mỹ. Tỷ lệ nhập viện ở nhóm từ 30-39 tuổi hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay. Số người dưới 18 tuổi nhập viện cũng tăng mạnh, xuất phát từ việc số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em tăng nhanh so với trước và hiện chiếm khoảng 15% số ca mắc mới, trong khi đây là nhóm đối tượng chưa tiêm vaccine. Theo nghiên cứu của CDC Mỹ, nguy cơ nhập viện của người chưa tiêm mắc bệnh cao gấp 29 lần người bệnh đã tiêm đủ.

Tại nước láng giềng Canada, tỷ lệ số ca mắc COVID-19 và tử vong do căn bệnh này trong tuần qua lần lượt tăng 28% và 21%. Các chuyên gia dự báo số ca mắc mới trong trẻ em và thanh thiếu niên có thể tăng lên trong làn sóng lây nhiễm thứ tư này, khi hàng triệu trẻ em chưa được tiêm chủng trở lại trường học.

Mặc dù số ca mắc mới ở châu Đại dương giảm 17% so với tuần trước, song tình trạng lây nhiễm ở hai quốc gia Australia và New Zealand đang gây lo ngại. Hàng loạt ổ dịch mới đã xuất hiện tại Australia đã khiến chính quyền Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra… phải áp đặt và gia hạn các biện pháp phong tỏa.  

Châu Á vẫn tiếp tục là điểm nóng của dịch với số ca mắc và tử vong trong tuần qua cao nhất thế giới. Trong 7 ngày qua, châu Á ghi nhận hơn 1.814.300 ca mắc mới (tăng 1% so với tuần trước đó) và  30.745 người không qua khỏi (giảm 3%). Tình trạng này đang khiến hệ thống y tế ở nhiều nước châu Á rơi vào quá tải.

Ấn Độ, quốc gia từng là tâm dịch thế giới hồi tháng 3 vừa qua, đang đối mặt với đợt lây nhiễm mới khi liên tục ghi nhận hơn 44.000 ca mắc mỗi ngày, tăng 17% trong 1 tuần và số ca tử vong cũng tăng 10% với hơn 450 ca mỗi ngày. Nhật Bản - quốc gia hiện đăng cai Paralympic 2020 - cũng chứng kiến số ca mắc mới và tử vong tăng trong tuần qua, lần lượt 11% và 60%. Với số ca mắc mới trung bình hơn 22.000 mỗi ngày, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa thêm 8 tỉnh vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp, nâng tổng số tỉnh thành đang áp dụng lên 21, trong đó có thủ đô Tokyo.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một thiếu niên tại Pekanbaru, Riau, Indonesia, ngày 9-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho một thiếu niên tại Pekanbaru, Riau, Indonesia, ngày 9-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan tiếp tục ghi nhận trung bình 15.000-20.000 ca mắc mới mỗi ngày. Giới chuyên gia nhận định tỷ lệ bao phủ vaccine thấp ở Đông Nam Á là nguyên nhân khiến số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 ở nhiều nước tăng. Như tại Philippines, chính phủ nước này ngày 28-8 đã gia hạn các biện pháp hạn chế tại vùng đô thị Manila và một số tỉnh sau khi ghi nhận thêm 19.441 ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên hơn 1,93 triệu người. Hiện khoảng 20% dân số nước này được tiêm 1 mũi vaccine.

Trước thực tế số ca nhập viện và tử vong do biến thể Delta tập trung ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng vaccine, các nước, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển ở châu Á, đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Đặc biệt, các nước đang cân nhắc để tiêm chủng cho trẻ em, khi mà biến thể Delta được đánh giá có khả năng tấn công nhóm đối tượng này mạnh hơn so với chủng virus gốc. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phân phối bất bình đẳng vaccine trên toàn cầu vẫn tiếp tục là thách thức lớn, khi nhiều nước giàu có đang tiêm mũi thứ ba thì nhiều nước đang phát triển chưa có đủ vaccine để tiêm mũi đầu cho người dân.

Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Mike Ryan, Delta cũng cảnh báo Delta sẽ không phải là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2 bởi khi virus lây lan càng nhiều, chúng sẽ càng biến đổi mạnh mẽ và khó lường. Bản thân biến thể Delta hiện cũng đã sản sinh thêm nhiều nhánh đột biến như Delta Plus hay AY3. Hay như  biến thể Lambda, loại biến thể mang 2 đột biến giúp virus lây lan nhanh hơn và mang 3 đột biến khiến virus có thể thoát khỏi kháng thể trung hòa trên cơ thể sau khi tiêm vaccine, đã xuất hiện tại Đông Nam Á. Vì vậy, thế giới cần phải hành động khẩn trương chống biến thể Delta, trước khi các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện, mà trước hết là tập trung ưu tiên vào triển khai tiêm chủng đại trà.

WHO khẳng định điều đó chỉ thực hiện được khi các nước cùng chia sẻ và đoàn kết trong cuộc chiến chống dịch. Bên cạnh đó, ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển tại châu Á hay châu Phi, nơi tỷ lệ bao phủ vaccine còn thấp, việc mỗi cá nhân và cộng đồng tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch là yếu tố chủ chốt quyết định diễn biến dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN