Sự kiện "tắt đèn" này được bắt đầu ở Thái Bình Dương, Figi, New Zealand và Australia, sau đó tới châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.
Nhà hát Lớn ở thành phố Sydney (Australia) đã trở thành nơi đầu tiên trong số các tiêu điểm trên toàn cầu tắt điện. Tiếp đó là hàng trăm các quốc gia và vùng lãnh thổ đã đồng loạt tắt đèn để thể hiện tình đoàn kết hưởng ứng việc tiết kiệm năng lượng điện, quyết tâm bảo vệ môi trường, ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, ngăn chặn hiện tượng nóng lên của Trái đất và chia sẻ với nạn nhân của thiên tai...
Năm nay, có hơn 750 địa danh mang tính biểu tượng của các quốc gia trên thế giới hưởng ứng sự kiện này.
Tháp Eiffel ở thủ đô Paris (Pháp) và tòa tháp cao nhất thế giới ở Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất) cũng chìm trong bóng tối khoảng 60 phút. Trong khi đó, quảng trường Thời đại ở New York (Mỹ), tháp đôi Petronas (Malaysia) đèn cũng được tắt và một số tiêu điểm khác trên thế giới cũng nhiệt liệt hưởng ứng phong trào
Trong khi đó, người dân thủ đô Seoul (Hàn Quốc) tại thời gian tắt điện đã cùng nhau lặng im tưởng niệm những nạn nhân trong thảm họa siêu trận động đất 9 độ richter và sóng thần càn quét các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Nhật Bản hôm 11/3 vừa qua. Anh Pak Sang - un 27 tuổi cho biết: "Đó thực sự là khoảng thời gian có ý nghĩa. Đây chính là dịp để chúng ta suy nghĩ thêm về Trái đất. Để từ đó, tự điều chỉnh cách sống của mình, thân thiện với môi trường và yêu quý Trái đất hơn”.
Sân vận động tổ chim Bắc Kinh, Vạn lý trường thành cùng 86 thành phố khác ở Trung Quốc đã cùng tắt điện một giờ đồng hồ, nhiều gấp đôi so với năm ngoái, một người dân thủ đô Bắc Kinh bày tỏ: Mặc dù Trung Quốc rất phong phú tài nguyên thiên, song vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng thường xuyên. Vì vậy, qua sự kiện Giờ Trái đất, chúng ta nên nhìn nhận nghiêm túc hơn về vấn đề này, vì lợi ích của thế hệ chúng ta hôm nay và cả mai sau".
Tại Nhật Bản, chính quyền và người dân đang nỗ lực khắc phục hậu quả của trận siêu động đất và “chạy đua cùng thời gian” khắc phục sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, cũng tham gia "Giờ Trái đất". Những gì vừa xảy ra tại xứ sở Hoa anh đào dường như đã thức tỉnh mọi người rằng, đã đến lúc phải cứu lấy hành tinh, bảo vệ cuộc sống của chính mình nếu không là quá muộn.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ ủng hộ "Giờ Trái đất", đồng thời kêu gọi mọi người cùng bảo vệ hành tinh, đảm bảo sự sống cho con người. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định "Giờ Trái đất" chính là biểu tượng lớn của tinh thần đoàn kết, là sự truyền cảm hứng của những cam kết quốc tế.
Thông điệp chính của Giờ Trái đất năm nay là “Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu”, đã kêu gọi mỗi cá nhân đang sống và làm việc trên hành tinh không chỉ tắt đèn trong vòng một giờ của Giờ Trái đất mà hãy hành động vì biến đổi khí hậu trong suốt 365 ngày sau đó, cam kết hành động hằng ngày, hành động liên tục vì một tương lai vững bền cho một hành tinh chung ./.