Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Zagreb, Croatia, ngày 10-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 14-7-2020 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 13.215.983 ca, trong đó có 574.754 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 7.683.112 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 58.729 ca và 7.683.112 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 13-7-2020, thế giới có 133 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Cảnh sát Armenia kiểm tra các phương tiện giao thông tại Yerevan trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ngày 12-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Mỹ (60.178 ca), Ấn Độ (28.179 ca) và Brazil (18.791 ca); trong khi các nước Brazil (682 ca), Ấn Độ (540 ca) và Mỹ (401 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh cực đoan, đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai.
Số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nơi ở châu Á, trong khi Ấn Độ hiện đã đứng thứ ba thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh COVID-19.
Tháp Eiffel tại thủ đô Paris, Pháp ngày 18-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Nga là quốc gia châu Âu ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh nhất trong 24 giờ qua.
Mỹ Latinh tiếp tục là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc biệt tăng mạnh trong những ngày gần đây tại Brazil, Mexico, Colombia... Brazil hiện cũng là nước có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao thứ hai thế giới.
Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca/ngày thứ 6 liên tiếp.
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 30-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu của trang thống kê worldometers.info, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với 3.474.173 ca nhiễm và 138.183 ca tử vong. Số ca ở Mỹ đã tăng đột biến trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, bất chấp tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn hối thúc các trường mở lại vào mùa Thu tới.
Dịch diễn biến phức tạp ở Mỹ buộc thống đốc một số bang phải tạm hoãn các kế hoạch mở cửa trở lại, thậm chí một số bang còn ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Liên quan vấn đề này, những ngày qua đã chứng kiến một sự thay đổi của giới chức Nhà Trắng.
Ngày 12-7-2020, Tổng thống Trump đã gây ngạc nhiên khi lần đầu tiên đeo khẩu trang xuất hiện trước công chúng trong chuyến thăm bệnh viện quân y Walter Reed ở ngoại ô thủ đô Washington để gặp gỡ các cựu chiến binh đang điều trị tại đây. Phát biểu khi rời Nhà Trắng, ông Trump cho rằng đeo khẩu trang là việc làm tốt và phù hợp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái, hàng đầu) nhấn mạnh: “Tôi nghĩ đeo khẩu trang là điều cần thiết, nhất là khi nói chuyện với nhiều binh sĩ tại bệnh viện, trong đó một số trường hợp vừa rời khỏi bàn mổ”. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh nhấn mạnh tầm quan trọng của khẩu trang, khẳng định nếu 90% người dân Mỹ không đeo khẩu trang nơi công cộng ở những điểm nóng của dịch COVID-19, nước này sẽ không thể kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom ngày 13-7-2020 đã công bố kế hoạch ngừng mở cửa trở lại nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 khi số ca mắc COVID-19 mới ở bang miền Tây nước Mỹ này đang gia tăng mạnh.
Thống đốc Newsom cho biết bang California sẽ đóng cửa mọi hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, nhà máy sản xuất rượu vang, rạp chiếu phim, sở thú và phòng chơi game. Trong khi đó, các quán bar buộc phải đóng cửa tất cả mọi hoạt động.
Các nhà hàng và quán bar đóng cửa do dịch COVID-19 tại Los Angeles, bang California, Mỹ ngày 21-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở ít nhất 30 hạt bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bang sẽ bị buộc phải ngừng các hoạt động trong nhà tại các trung tâm thể dục, địa điểm cầu nguyện, các văn phòng không cần thiết, tiệm cắt tóc và các trung tâm thương mại. Quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới khoảng 80% dân số sinh sống tại những địa phương này.
Tính tới ngày 12-7-2020, bang California ghi nhận trung bình hơn 8.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với tháng 6. Theo số liệu của nhật báo New York Times, bang California đã ghi nhận tổng cộng 331.626 ca COVID-19, cao thứ hai trên toàn quốc, trong đó có hơn 7.000 người tử vong.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Marica, bang Rio de Janeiro, Brazil, ngày 6-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Brazil tiếp tục là nước có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới với 1.884.967 ca nhiễm và 72.833 ca tử vong. Tuy nhiên, đáng chú ý trong ngày 13-7-2020, Mexico đã vượt Italy trở thành quốc gia có số ca tử vong cao thứ 4 thế giới sau khi Bộ Y tế nước này ghi nhận thêm 276 ca tử vong, nâng tổng số lên 35.006 ca.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) bày tỏ quan ngại về diễn biến dịch bệnh tại Mexico. Kể từ khi bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế vào ngày 1-6-2020 vừa qua, số ca mới và tử vong đã tăng gấp 3 lần.
Một phụ nữ mang thai đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Buenos Aires , Argentina,ngày 25-3-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13-7-2020, Bộ Y tế Argentina cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.657 ca mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 100.166 người, trong đó có 1.859 trường hợp tử vong.
Theo báo cáo chính thức, khoảng hơn 91% các ca mắc COVID-19 tại Argentina được ghi nhận ở thủ đô Buenos Aires và các vùng đô thị lân cận. Chính vì vậy, đây cũng là những khu vực mà chính phủ Argentina tiếp tục siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, Giám đốc Sở Y tế Buenos Aires, Carla Vizzotti khẳng định, các số liệu thống kê cho thấy trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc COVID-19 mới ở thủ đô và các vùng lân cận bắt đầu có dấu hiệu giảm và đây sẽ là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá các bước đi tiếp theo sau khi kết thúc đợt cách ly bắt buộc lần này vào ngày 17-7-2020 tới. Hiện vẫn còn 54.134 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị ở các mức độ khác nhau, trong đó có 735 trường hợp đang nằm tại các khoa điều trị tích cực ở các bệnh viện.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Santa Tecla, El Salvador. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 13-7-2020, số ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực châu Mỹ Latinh đã cao hơn Mỹ và Canada và đứng thứ hai toàn thế giới.
Hãng tin AFP (Pháp) tổng hợp các số liệu thống kê chính thức cho biết kể từ đầu tháng 7 tới nay, thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 2,5 triệu ca mắc mới, trong đó số ca mắc mới tăng gấp đôi chỉ trong 6 tuần qua.
Khi số ca mắc mới tăng mạnh, ngày 13-7-2020, khu vực Mỹ Latinh cũng chính thức ghi nhận tổng cộng 144.758 ca tử vong, vượt qua mức tổng cộng 144.023 ca tử vong được ghi nhận tại Mỹ và Canada. Hiện khu vực Mỹ Latinh chỉ xếp sau châu Âu về số ca tử vong vì dịch bệnh. Châu Âu ghi nhận tổng cộng 202.505 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 4-7-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Ở châu Âu, ngày 13-7-2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Italy Giuseppe Conte tại lâu đài Meseberg ở thủ đô Berlin.
Lãnh đạo Đức và Italy đã thúc giục các nước châu Âu có phản ứng nhanh chóng và thuyết phục nhằm ứng phó cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra với những hậu quả kinh tế và xã hội to lớn.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh tầm quan trọng của quỹ phục hồi châu Âu, cho rằng nhiệm vụ đặt ra là rất lớn nên cần câu trở lời tương xứng. Nhà lãnh đạo Đức kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đoàn kết. Mặc dù vậy, bà Merkel thừa nhận các nước có những ý tưởng rất khác nhau và không chắc chắn về khả năng đạt được thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới hay không.
Trong ảnh (từ trái sang): Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu David Sassoli trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, ngày 8-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Về phần mình, Thủ tướng Italy Conte nhấn mạnh, một phản ứng mạnh mẽ và phối hợp từ châu Âu rất quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Thủ tướng Conte cho rằng, các chương trình như quỹ phục hồi châu Âu nên có “quy tắc rõ ràng” và cần có sự theo dõi, đánh giá liên tục.
Thủ tướng Italy hối thúc châu Âu cần phải có hành động, phản ứng nhanh chóng bởi theo ông, một phản ứng chậm trễ trong cuộc khủng hoảng sẽ phá hủy thị trường nội khối trong thời gian ngắn.
Theo kế hoạch, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 17 và 18-7-2020 tới, lãnh đạo 27 nước thành viên EU sẽ nhóm họp tại Brussels để thảo luận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (tương đương 849,45 tỷ USD) và ngân sách EU trong giai đoạn 7 năm tới (từ năm 2021 - 2027) trị giá 1.074 nghìn tỷ euro.
Chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 ra nghĩa trang ở New Delhi, Ấn Độ ngày 6-7-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Á, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất, khi có thêm 28.179 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Số ca tử vong tại nước này hiện là 23.727 ca trong tổng số 907.645 ca nhiễm. Trước tình hình số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, nhiều địa phương tại Ấn Độ cũng đã siết chặt lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Cũng liên quan đến các ca nhiễm nhập cảnh, Trung Quốc đại lục ngày 13-7-2020 đã ghi nhận thêm 8 ca nhiễm mới, tất cả đều là các ca nhập cảnh, trong khi số ca nhiễm nhập cảnh trong ngày tại Hàn Quốc ở mức cao nhất trong 4 tháng.
Học sinh tiểu học xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Joongnang, Hàn Quốc, ngày 5-7-2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 13-7-2020 cho biết có thêm 62 ca nhiễm mới (trong đó 19 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 13.479 ca.
Bắt đầu từ ngày 13-7-2020, những người nhập cảnh Hàn Quốc từ 4 quốc gia được xem là có nguy cơ lây nhiễm cao, gồm Bangladesh, Pakistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan, phải trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Các ca nhập cảnh, từng là nguồn lây chính ở Hàn Quốc, đã giảm xuống mức một con số vào tháng 6 vừa qua khi Hàn Quốc tăng cường kiểm dịch tại các sân bay.
Du khách thăm quan công viên Disneyland vừa được mở cửa lại ở Hong Kong (Trung Quốc) ngày 18-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh dịch diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Giám đốc Học viện y khoa thuộc Đại học Hong Kong Lương Trác Vỹ cho biết hiện nay virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện biến chủng, khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây nhiễm tức thời của các ca mắc COVID-19 tại Hong Kong đã vượt quá mức 3 và gần 4, nghĩa là mỗi ca nhiễm có thể lây cho 3 đến 4 người. Theo ông Lương Trác Vỹ, thành phố Vũ Hán (Wuhan) của Trung Quốc, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên, có tỷ lệ lây nhiễm tức thời từ 2,5 đến 3 vào thời điểm trước khi thành phố này phong tỏa hoàn toàn hồi cuối tháng 1-2020.
Điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Porto Alegre, Brazil ngày 15-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến tác động của dịch, một nghiên cứu được tiến hành đối với 900 công ty hàng đầu trên thế giới cho thấy nợ doanh nghiệp toàn cầu năm 2020 sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD do dịch.
Việc gia tăng vay nợ lớn chưa từng thấy sẽ khiến tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu tăng 12%, lên khoảng 9.300 tỷ USD. Nợ doanh nghiệp tăng vọt trong năm nay nhằm duy trì hoạt động của công ty bởi dịch bệnh làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
Các công ty Mỹ chiếm gần 50% số nợ doanh nghiệp toàn cầu, với mức nợ khoảng 3.900 tỷ USD. Đứng thứ hai là Đức với số nợ doanh nghiệp 762 tỷ USD. Đức cũng là quốc gia có 3 công ty vay nợ nhiều nhất thế giới, trong đó có Volkswagen nợ 192 tỷ USD.
Nhịp sống thường nhật sẽ sớm trở lại với Thái Lan. Ảnh: AFP
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13-7-2020, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 2.361 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 5.470 người.
Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Tuy nhiên, Philippines có số ca tử vong/ngày nhiều hơn Indonesia.
Trong ngày, khu vực ASEAN chỉ có 5 nước phát sinh các ca mắc COVID-19. Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.470 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 115 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 193.258. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 111.880 trường hợp.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, dù vẫn đề cao cảnh giác trước nguy cơ làn sóng dịch thứ hai.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1-7-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 13-7-2020, WHO đã cảnh báo rằng có quá nhiều nước đang hành động tùy tiện trong đối phó với đại dịch COVID-19, đồng nghĩa với khả năng sẽ không thể sớm quay trở lại trạng thái bình thường.
Sau khi ghi nhận 230.000 ca mắc COVID-19 mới chỉ trong một ngày được báo cáo hôm 12-7-2020, WHO cho rằng đại dịch sẽ chỉ diễn biến tồi tệ hơn trừ phi người dân tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như dãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị ốm.
Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, một số nước nới lỏng lệnh phong tỏa hiện đang phải chứng kiến sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2 vì không tuân thủ các phương pháp đã được kiểm chứng nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 18-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến, ông Tedros chỉ rõ sẽ không có việc quay trở lại trạng thái "bình thường như cũ" trong tương lai gần, có quá nhiều nước đang đi sai hướng.
Theo ông, virus SARS-CoV-2 vẫn là kẻ thù chung số 1, nhưng "hành động của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều đó".
Ông Tedros nhận định nếu chính phủ các nước không thực thi một chiến lược toàn diện nhằm ngăn chặn virus lây lan và người dân không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản thì chỉ có một khả năng là dịch bệnh sẽ diễn biến ngày càng tồi tệ hơn.
TTXVN