COVID-19 tới 6 giờ sáng 18-3-2021:

Thế giới xấp xỉ 2,7 triệu ca tử vong; WHO khuyến nghị dùng vaccine AstraZeneca

18/03/2021 - 06:48

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 497.247 trường hợp mắc COVID-19 và 8.900 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt mức 121,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,69 triệu người không qua khỏi.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Warsaw, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18-3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 121.772.46 ca, trong đó có 2.691.007 người tử vong.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 98.174.432 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 20.887.074 ca và 88.076 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 17-3, thế giới có tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 92 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng trở lại.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 550.515 ca tử vong trong tổng số 30.287.824 ca nhiễm. Brazil đã vượt qua Ấn Độ để đứng thứ 2 thế giới xét cả về tổng số ca mắc bệnh cũn như ca tử vong. Quốc gia Nam Mỹ này hiện ghi nhận 11.693.838, trong đó 284.775 người tử vong. Ấn Độ xếp thứ 3 với lần lượt số ca bệnh và tử vong là 11.473.946 và 159.249.

Tại khu vực Mỹ Latinh, bang Minas Gerais đông dân thứ hai ở Brazil thông báo sẽ bắt đầu giai đoạn kéo dài 15 ngày thực hiện biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất để phòng dịch COVID-19 cũng như giảm tải cho các bệnh viện trong khu vực. Các bệnh nhân COVID-19 ở bang Minas Gerais được chuyển sang bang Sao Paulo lân cận.

Tính đến hết ngày 16-3, bang này đã công bố 20.687 ca tử vong trong số gần 1 triệu ca mắc trong khi trên cả nước ghi nhận 282.127 ca tử vong trong số 11.603.535 ca mắc. Ít nhất 9 bang khác đang áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sau khi số ca mắc tăng vọt khiến nhiều bệnh viện trong khu vực quá tải.

Một trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 4-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một trung tâm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại London, Anh, ngày 4-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bày tỏ "tin tưởng chắc chắn" vào hiệu quả của vaccine AstraZeneca (Anh) trong phòng ngừa bệnh COVID-19, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi đánh giá đây là tín hiệu khích lệ đối với công tác tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh này, song việc nối lại sử dụng vaccine này tại hai nước vẫn cần chờ kết luận cuối cùng của EMA.

Hai nhà lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh một số nước trên thế giới đã quyết định ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca do lo ngại phản ứng phụ gây ra hiện tượng đông máu. Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan nêu rõ cho đến nay WHO chưa tìm thấy sự liên quan nào giữa hiện tượng đông máu và vaccine này.

Anh đang xem xét ý tưởng "hộ chiếu vaccine" cũng như theo dõi diễn biến dịch bệnh trước khi đưa ra chính sách mới về du lịch trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên tại một số khu vực của châu Âu có nguy cơ khiến kế hoạch của nước này về mở lại các tuyến du lịch quốc tế từ giữa tháng 5 sẽ bị chậm lại.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 17-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 17-2-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 17-3, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch cấp chứng nhận số về an toàn đi lại nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong khối cho những công dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

 Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết người được cấp chứng nhận số này là người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc có kết quả âm tính gần đây, hay khỏi bệnh COVID-19 và do vậy cơ thể họ đã có kháng thể chống COVID-19. Bà nêu rõ: "Với chứng nhận số này, chúng tôi đặt mục tiêu giúp các nước thành viên khôi phục tự do đi lại theo cách an toàn, tin cậy và có trách nhiệm".

Tuy nhiên, kế hoạch này có thể vấp phải sự phản đối của một số nước thành viên EU do lo ngại gây ra phân biệt đối xử với những người vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, người phát ngôn EC, Eric Mamer cho rằng đây không gọi là hộ chiếu vaccine mà gọi là giấy chứng nhận số xanh, nghĩa là tài liệu mô tả tình trạng sức khỏe của các cá nhân có chứng nhận này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Đối thoại chuyển đổi năng lượng Berlin lần thứ 7. Ảnh: Mạnh Hùng - P/v TTXVN tại Đức

Iceland từ ngày 18-3 sẽ mở cửa biên giới cho toàn bộ du khách đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần phải trải qua xét nghiệm hoặc cách ly bắt buộc. Động thái này của Iceland nhằm thu hút thêm khách du lịch để giúp phục hồi nền kinh tế vốn chịu tác động của dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Iceland cho biết những người đã được tiêm đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phép tới nước này mà không phải trải qua xét nghiệm và cách ly. Như vậy, quốc gia nằm ở Bắc Đại Tây Dương này sẽ là một trong những nước đầu tiên mở cửa biên giới kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Tuyên bố nêu rõ từ ngày 18-3, biện pháp này sẽ áp dụng cho các công dân ngoài khu vực Schengen, trong đó có cả Vương quốc Anh và Mỹ. Cho đến nay, Iceland chỉ cho những du khách đến từ các nước EU đã tiêm phòng COVID-19, nhập cảnh mà không phải trải qua bất kỳ biện pháp hạn chế nào.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 21-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tehran, Iran ngày 21-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, Iraq đã quyết định nới lỏng biện pháp hạn chế, theo đó, từ ngày 22-3 tới, lệnh giới nghiêm hoàn toàn sẽ được áp dụng vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, thay vì 3 ngày cuối tuần.

Những ngày còn lại trong tuần sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thay vì từ 20h tối đến 5h sáng. Chính phủ cũng quyết định cho phép các trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 22-3 tới nhưng cần áp dụng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Mới đây, Iraq đã triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn dịch bệnh lây lan sau khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn so với chủng ban đầu.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 5-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi di chuyển trên đường phố ở Tokyo, Nhật Bản ngày 5-3-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thông báo lần đầu tiên ghi nhận số ca  nhiễm mới vượt 400 ca kể từ ngày 18-2. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại thành phố này trong 24 giờ qua là 409 người, nâng tổng số ca bệnh lên 116.293 người. Số ca mắc mới tại Tokyo đã giảm dần kể từ khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 7-1.

Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại, với số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày gần đây cao hơn những tuần trước. Hiện thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Chiba và Saitama vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Theo các nguồn tin, Chính phủ Nhật Bản có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp ở vùng thủ đô Tokyo vào ngày 21-3 như kế hoạch.

Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới  trong 24 giờ qua lại vượt mốc 400 ca, lên tới 469 ca, trong đó có 452 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tăng mạnh so với mức 363 ca một ngày trước đó. Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, giới chức y tế Hàn Quốc dự định tăng cường các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở công cộng ở khu vực thủ đô Seoul. Theo đó, nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra 11.873 cơ sở công cộng, trong đó có các nhà máy sản xuất thuê lao động nước ngoài, các phòng tắm công cộng, công viên, cho đến ngày 28-3.

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca . Ảnh: AFP/TTXVN

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca . Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các nước tiếp tục thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca "tại thời điểm này".

Trong tuyên bố của WHO nêu rõ: " Ủy ban Cố vấn toàn cầu (của WHO) về an toàn vaccine đang thận trọng đánh giá dữ liệu an toàn mới nhất. Tại thời điểm hiện tại, WHO nhận thấy các lợi ích của vaccine AstraZeneca lớn hơn các nguy cơ và (do vậy) khuyến nghị các nước tiếp tục tiêm chủng vaccine này."

WHO cũng nhấn mạnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không làm giảm nguy cơ mắc bệnh khác hoặc tử vong do các nguyên nhân khác. Hiện tượng đông máu được cho là thường xuyên xảy ra và đây được cho là nguyên nhân gây bệnh tim mạch phổ biến thứ 3 trên toàn cầu. Trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, các nước thường xuyên thông báo những tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm chủng, nhưng điều này không nhất thiết là có liên quan đến việc tiêm chủng.

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Marikina, Philippines, ngày 2-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Marikina, Philippines, ngày 2-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17-3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.782 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 56.360 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Dù vậy, trong 24 giờ qua, Indonesia vẫn là quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất châu Á.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, song số ca tử vong lại giảm mạnh so với các ngày trước. Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia.  

Người dân Philippines đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Người dân Philippines đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 11 bệnh nhân mới, song không có ca tử vong nào vì COVID-19. Nhìn chung, làn sóng dịch tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 17-3 ghi nhận thêm tới 248 ca bệnh mới và 1 ca tử vong.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 75 bệnh nhân mới trong ngày 17-3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành, đồng thời ra thông báo khẩn cấp. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cảnh sát phát khẩu trang cho người dân để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 12-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát phát khẩu trang cho người dân để phòng dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 12-11-2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 56.369 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 183 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.634.502 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.369.199 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Timor Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh nào.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN