10 khoảnh khắc khó quên trong lịch sử AFF Cup

19/11/2014 - 07:57

Pha dứt điểm bằng vai của Sasi Kumar vào lưới đội tuyển Việt Nam tại Tiger Cup 1998 hay cú đánh đầu của Công Vinh ở AFF Cup 2008... là những khoảnh khắc vẫn được nhớ đến dù trôi qua nhiều năm.

Trận mở màn giữa Malaysia - Singapore (Tiger Cup 1996). Năm 1996, Giải vô địch bóng đá Đông Nam lần đầu tiên tổ chức tại Singapore với cái tên gắn với nhà tài trợ chính là Tiger Cup. Trận đấu khai mạc giải diễn ra giữa hai đội bóng kình địch thu hút 44.000 khán giả. Kết quả 1-1 không có gì quá thú vị nhưng báo hiệu sự mở đầu kỷ nguyên mới. Thời điểm đó có rất ít đánh giá lạc quan về sự tồn tại của giải đấu "không giống ai" này (giải đấu cấp quốc tế duy nhất tổ chức hai năm một lần thay vì bốn năm như thông lệ).

Noh Alam Shah ghi bảy bàn vào lưới đội tuyển Lào (AFF Cup 2007). Trận đấu ở vòng bảng, chủ nhà Singapore đè bẹp tuyển Lào với tỷ số 11-0. Đây là một trong những chiến thắng đậm nhất trong lịch sử AFF Cup 2007. Tiền đạo Noh Alam Shah lập kỷ lục với bảy pha lập công trong trận đấu điên rồ trên sân Kallang Roar, mở đầu bằng một cú đánh đầu ngược thuộc loại dị biệt. 

231780-heroa-4560-1416283290.jpg

Noh Alam Shah đang giữ kỷ lục ghi bàn trong một trận đấu tại AFF Cup và là Cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử AFF Cup. Ảnh: Goal.

Kết thúc giải năm ấy, Singapore lên ngôi vô địch còn chân sút này đoạt danh hiệu Vua phá lưới với 10 pha lập công.

Indonesia thắng nghẹt thở Việt Nam ở bán kết (Tiger Cup 2000). Thất bại trước chủ nhà Thái Lan ở trận chung kết, nhưng Indonesia vẫn có một giải đấu khó quên. Đặc biệt là trận bán kết với tuyển Việt Nam, kết thúc bằng chiến thắng kịch tính 3-2 cho đội bóng xứ vạn đảo.

Gendut Doni Christiawan mở tỷ số phút 39, nhưng Nguyễn Hồng Sơn nhanh chóng gỡ hòa 1-1 ở phút cuối hiệp một. Kịch bản tương tự diễn ra ở hiệp hai. Phút 75 tiền vệ Nurtiantara đưa Indonesia lần thứ hai vượt lên, trước khi lão tướng Phạm Công Tuyền cân bằng tỷ số 2-2 cho Việt Nam đúng phút cuối. Tưởng chừng trận đấu được giải quyết trên chấm phạt đền, thì tiền đạo Christiawan ghi bàn thắng quý như vàng ở phút 120 để đưa Indonesia vào chung kết.

Bàn thắng bằng vai của Sasi Kumar (Tiger Cup 1998). Cho đến lúc này, người hâm mộ Việt Nam có lẽ chưa thôi ấm ức khi nghĩ đến thất bại của đội chủ nhà chung kết Tiger Cup 1998. Tinh thần dâng cao sau chiến thắng 3-0 trước kình địch Thái Lan ở bán kết, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Việt Hoàng, Văn Sỹ... bước vào trận đấu cuối cùng gặp Singapore với khí thế cao nhất, trong sự cổ vũ của sân Hàng Đẫy đầy chật khán giả.

Kumar-8836-1416283291.jpg

Trung vệ Sasi Kumar ghi bàn thắng kỳ lạ bằng vai đưa Singapore vô địch Tiger Cup 1998.

Đó là trận đấu đội tuyển đã chơi rất hay, tạo nhiều cơ hội nhưng không một lần tận dụng thành công. Phút 65 họ nhận trái đắng. Từ pha đấm hụt của thủ môn Tiến Anh, bóng rơi trúng vai trung vệ Sasi Kumar đi vào lưới, mang lại bàn thắng duy nhất trận đấu cho tuyển Singapore. CĐV quốc đảo sư tử gọi khoảnh khắc khó quên ấy với cái tên "Đôi vai của Chúa".

Chiến thắng lịch sử của dàn sao nhập tịch Philippines (AFF Cup 2010). Tại AFF Cup 2008, Philippines bắt đầu chính sách nhập tịch những cầu thủ có gốc Philippines từ nước ngoài về thi đấu. Nhưng hai năm sau, đội bóng này mới tạo dấu ấn khó quên với trận hòa 1-1 trước đội bóng chiếu trên Singapore ở trận đấu đầu tiên của bảng B. Cơn địa chấn lớn nhất xảy ra trên sân Mỹ Đình, khi Philippines đánh bại đương kim vô địch Việt Nam với tỷ số 2-0. Phong độ ấn tượng kể trên giúp họ lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết.  

Hat-trick đầu tiên ở chung kết (Tiger Cup 2000). Sau khi toàn thắng ở vòng bảng, chủ nhà Thái Lan đánh bại Malaysia ở bán kết với tỷ số 2-0 để vào chung kết gặp Indonesia. 

worrawotsrimakawsg1-5993-1416283291.jpg

Tiền đạo cao kều Woorawoot Srimaka. Ảnh: WSG.

Trận đấu sớm được định đoạt sau 32 phút đầu tiên. Xen kẽ bàn gỡ của Usto Nawawi ở phút 20 là ba pha làm bàn của tiền đạo Woorawoot Srimaka cho Thái Lan. Đó là cú hat-trick đầu tiên trong lịch sử các trận chung kết của giải đấu cho đến nay. 

Pha làm bàn ở giữa hiệp hai của Tanongsak ấn định chiến thắng 4-1, và đưa Thái Lan đến ngôi vô địch thứ hai sau ba lần tổ chức giải.

Myanmar đánh bại chủ nhà Malaysia (Tiger Cup 2004). Sau khi cầm hòa 1-1 trước Thái Lan, tuyển Myanmar tiếp tục gây bất ngờ với chiến thắng 1-0 trước chủ nhà Malaysia tại chảo lửa Bukit Jalil. Pha lập công duy nhất của Soe Myat Min ở phút 20 mang lại ba điểm và ngôi đầu bảng B cho đội bóng vốn không được đánh giá cao này. Tuy nhiên, Malaysia sau đó có màn trả thù ngọt ngào ở trận tranh hạng ba - với chiến thắng 2-1 trước Myanmar để giành HC đồng. 

Cú đánh đầu lịch sử của Công Vinh (AFF Cup 2008). Nhọc nhằn vượt qua vòng bảng, tuyển Việt Nam dưới thời HLV Henrique Calisto bất ngờ đi một mạch đến ngôi vô địch. Dấu ấn đáng nhớ của đội bóng áo đỏ là chiến thắng ở lượt đi ngay trên sân của Singapore (bán kết) và Thái Lan (chung kết).

CV-7515-1416283291.jpg

Pha ghi bàn quyết định của Công Vinh (áo trắng) trên sân Mỹ Đình mang lại chức vô địch cho tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008.

Sau chiến thắng 2-1 trên sân Rajamangala của Thái Lan, tuyển Việt Nam bị dẫn trước 1-0 trên sân nhà trong trận lượt về ở Mỹ Đình từ pha ghi bàn Teerasil Dangda phút 21. Nhưng, đúng phút bù giờ thứ tư, Công Vinh đã thực hiện pha đánh đầu ngược hiểm hóc từ quả đá phạt của Minh Phương gỡ hòa 1-1 và đưa tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch.

Chức vô địch đầu tiên của Malaysia (AFF Cup 2010). Giai đoạn đầu thế kỷ 21 là thời điểm thoái trào của bóng đá Malaysia. Họ bị Thái Lan, Singapore và Việt Nam liên tục vượt mặt trong cuộc đua đến ngôi vô địch Đông Nam Á. Thậm chí sau Asian Cup 2007, Liên đoàn bóng đá Malaysia đã cấm các CLB trong nước tuyển mộ cầu thủ ngoại để tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ chơi bóng. Kế hoạch trẻ hóa mang lại cho Malaysia chức vô địch lịch sử năm 2010, sau khi họ đánh bại Việt Nam và Indonesia để tiến đến ngôi vương. Chân sút Safee Sali trở thành người hùng của đội nhà khi ghi ba bàn trong hai trận đấu lượt đi và về, giúp Malaysia đánh bại Indonesia với tổng tỷ số 4-2.

Chức vô địch may mắn của Singapore (Tiger Cup 1998). Người hâm mộ Đông Nam Á chưa quên trận đấu đầy xấu hổ giữa Thái Lan - Indonesia ở vòng bảng Tiger Cup 1998. Nhằm tránh gặp đội chủ nhà Việt Nam tại bán kết, cả hai đội đều không mặn mà đoạt ngôi đầu bảng. Trận đấu kết thúc với tỷ số 3-2 nghiêng về Thái Lan, sau khi hậu vệ Indonesia Mursyid Effendi điềm nhiên sút thẳng về lưới nhà ở cuối trận đấu.

c83cdb73d5885101082207f3bef185-4541-2049

Chức vô địch Tiger Cup 1998 của Singapore hưởng lợi từ trận cầu đầy tranh cãi của Thái Lan - Indonesia ở vòng bảng.

Bức xúc trước thái độ thi đấu thiếu fair-play của hai đội, cả châu Á đứng sau lưng Singapore trong trận gặp Indonesia. Quá dễ dàng cho Singapore đánh bại đội quân rệu rã tinh thần này với kết quả 2-1. Và trận chung kết, thần may mắn tiếp tục mỉm cười giúp Singapore đăng quang ngôi vô địch trên sân Hàng Đẫy với pha ghi bàn bằng vai của Sasi Kumar.

Nguồn vnexpress

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN