Bản quyền bóng đá: AVG không làm việc với VPF!

29/12/2011 - 07:44

AVG bác bỏ sự tồn tại của công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và khẳng định chỉ làm việc với LĐBĐ Việt Nam (VFF).

Trong khi đó, VPF đòi giảm thời hạn hợp đồng bản quyền truyền hình xuống còn 3 năm, tăng giá trị hợp đồng lên tối thiểu là 10 tỷ đồng/năm – đây là nội dung chính của cuộc họp giữa lãnh đạo VFF và AVG, diễn ra chiều 28/12.

Đại diện cho phía VFF là ông Phạm Ngọc Viễn (PCT VFF, TGĐ VPF), Trần Quốc Tuấn (vẫn được giới thiệu là TTK VFF), Nguyễn Minh Châu (Trưởng phòng Tiếp thị- Tài trợ). Bên phía AVG gồm 5 thành viên với ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch HĐQT AVG) dẫn đầu.

Thay mặt cho VPF, ông Phạm Ngọc Viễn đã chuyển cho ông Phạm Nhật Vũ công văn số 16/VPF- PPL về việc tách riêng Hợp đồng của VFF và VPF với AVG, trong đó nêu rõ: “Công ty VPF muốn thương thảo với AVG một số vấn đề về Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đã được ký kết giữa AVG với VFF từ những mùa giải trước”.

Hai vấn đề mấu chốt được đề nghị thương thảo lại, gồm:

Vì Hợp đồng của AVG với VFF liên quan đến nhiều giải do VFF tổ chức, trong đó có những giải hiện nay thuộc quyền tổ chức của VPF, nên VPF muốn tách riêng Hợp đồng của các giải đấu do VFF tổ chức và Hợp đồng của các giải đấu do VPF tổ chức.

Thời hạn hợp đồng là 03 năm. Giá trị hợp đồng truyền hình tối thiểu là 10 tỷ đồng/năm.

Liên quan tới đề xuất của VFF về chuyển giao việc thực hiện Hợp đồng cho VPF, AVG chính thức khẳng định:

AVG chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới Hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi và chỉ khi VFF cam kết và bảo đảm VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong Điều lệ của VFF và trong Hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG, đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong Hợp đồng;

AVG yêu cầu VFF và các bên có liên quan khác (trong trường hợp này là VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của Hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên. Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì;

Chỉ sau khi AVG và VFF cùng nhất trí bằng một thỏa thuận bằng văn bản về việc VPF tiếp nhận một số quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng như nội dung các yêu cầu này của AVG thì VPF mới bắt đầu được tham gia chính thức thực hiện việc đàm phán các nội dung có liên quan tới Hợp đồng đã ký;

Mọi thỏa thuận của VFF với VPF có liên quan tới Hợp đồng đã ký với AVG cần được cung cấp dự thảo bởi VFF cho AVG trước khi VFF tiến hành ký kết, ra các văn bản chính thức liên quan;

VPF phải có văn bản cam kết tôn trọng và thực hiện nghiêm túc theo các nội dung của Hợp đồng đã ký bởi VFF và AVG, đặc biệt là phần nhận lại để cùng thực hiện các quyền và nghĩa vụ sau khi chuyển giao (nếu có việc chuyển giao). Việc này cần thực hiện trước khi VPF tham gia vào Hợp đồng với tư cách là đối tác cùng chịu trách nhiệm thực hiện Hợp đồng với VFF;

Sau khi có một thỏa thuận mới ba bên giữa AVG, VFF và VPF, Ban lãnh đạo VPF sẽ được quyền tiếp cận các nội dung của Hợp đồng đã ký giữa AVG và VFF. Nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao Hợp đồng đã ký với AVG cho VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, AVG sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình.

Lãnh đạo AVG, VFF và VPF đều từ chối trả lời mọi phỏng vấn của giới truyền thông, nhưng khẳng định sẽ cung cấp các thông tin cần thiết cho báo chí bằng văn bản./.

Nguồn VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN