Sáng nay 21/11, Quốc hội tiếp tục thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XII.
Chiều qua, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình tiếp thu về Dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật: dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng không đưa các đối tượng thuộc hôn nhân thực tế vào đối tượng điều chỉnh của Luật nhưng coi hành vi bạo lực “xảy ra giữa nam, nữ không đăng ký kết hôn hoặc vợ, chồng đã ly hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng thì cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình”.
Về các biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình: dự thảo Luật đã được chỉnh lý, quy định rõ về thời gian, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc và việc tạm hoãn thực hiện biện pháp này khi gia đình có hiếu, hỷ hoặc các trường hợp đặc biệt khác. Đối với việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, dự thảo Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của người đứng đầu cộng đồng dân cư trong việc phân công người giám sát việc thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ của người được phân công giám sát.
Về cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình: dự thảo Luật quy định Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, do đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm của một số cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông và của các cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phòng, chống bạo lực gia đình.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung khái niệm về bạo lực gia đình (là hành vi cố ý của của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình); bỏ quy định “Các hành vi bạo lực khác trong gia đình theo quy định của pháp luật” để đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch của Luật; đổi tên biện pháp “Giáo dục tại cộng đồng” thành “Phê bình, góp ý trong cộng đồng dân cư” và chỉnh lý lại nội dung của Luật cho phù hợp.
Biểu quyết toàn phần tại Hội trường với 438/448 đại biểu tán thành, đạt 88,84%, Quốc hội nhất trí thông qua Luật này và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2008
Về Dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý gồm 6 chương với 63 điều, tăng 4 điều so với dự thảo đã trình tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI do tách các nội dung có liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh thành một mục riêng, đồng thời bổ sung, sửa đổi một số nội dung như: Vấn đề vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và người dân khi có dịch xảy ra, các quy định đặc biệt hạn chế một số quyền công dân như cách ly y tế, hạn chế ra vào vùng có dịch...
Về tiêm chủng mở rộn