Thi đua vì thực phẩm an toàn

15/06/2016 - 08:24

Sử dụng trái cây sạch, an toàn để đảm bảo sức khỏe.

Năm 2016, trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, Sở Y tế đăng ký thực hiện với nội dung “Thi đua Đồng khởi mới trong thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh” và “Phong trào thi đua toàn ngành Y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”. 

Theo đó, Chi cục ATVSTP đã cụ thể hóa thành những chỉ tiêu cụ thể. Sau 6 tháng thực hiện, tinh thần “Đồng khởi mới” được thể hiện ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý

Bà Trần Mai Trang - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp cho biết, qua thời gian thực hiện, phong trào thi đua đã được thể hiện cụ thể trong nhiệm vụ của từng cá nhân, bộ phận. Mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị đồng lòng thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời đoàn kết nỗ lực tạo sự chuyển biến tích cực trong việc đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu cơ bản đạt.

Theo kế hoạch thi đua, trong năm đạt tỷ lệ 69% người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và 77% quản lý, lãnh đạo hiểu đúng và thực hiện đúng về ATVSTP; trên 77% cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể thực hiện theo quy định về ATVSTP, 77% cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn.

Bà Trang cho hay, đến nay, các chỉ tiêu đều đạt trên 70%. Để thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục đã xác định công tác kiểm tra và xử lý là quan trọng. Do đó, trong mỗi đợt kiểm tra, đoàn thanh tra luôn xác định đúng đối tượng, xử lý vi phạm ngày càng chặt chẽ. Công tác phối hợp giữa cơ quan kiểm tra và xử lý vi phạm đảm bảo tốt. Bên cạnh các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, Chi cục đã duy trì hoạt động lệ kỳ, tập trung tuyên truyền, tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông làm băng đĩa, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền.

Tính đến nay, Chi cục đã tổ chức tập huấn truyền thông cho 4.650 đối tượng. Ngoài ra, Chi cục thành lập 358 đoàn tổ chức thanh tra, kiểm tra 3.206 cơ sở trên toàn tỉnh, có 2.530 cơ sở đảm bảo ATVSTP, đạt 78,9%. Riêng Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua, ngành đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 25 cơ sở, đạt 17 cơ sở. Tịch thu và niêm phong nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng, không rõ ngày sản xuất.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ ngộ độc với 6 người mắc do nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm không được làm chín tại bữa ăn của gia đình. Và mới ghi nhận gần đây 1 vụ ngộ độc do ăn nhầm so biển ở xã Phú Long, huyện Bình Đại. 

Góp phần nâng cao nhận thức cho người dân

Bà Trần Mai Trang cho biết thêm, qua các buổi tập huấn, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra, người tiêu dùng và các chủ cơ sở thực phẩm được nâng cao ý thức trong việc đảm bảo ATVSTP, góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm. Bà Nguyễn Thị Oanh ở phường 1, TP. Bến Tre chia sẻ: “Nhờ các cộng tác viên tuyên truyền, tôi hiểu hơn về tác hại của thực phẩm không an toàn. Giờ đây, mỗi lần ra chợ tôi rất dè chừng, chỉ mua chỗ quầy quen, thực phẩm có dấu kiểm duyệt của ngành chức năng mới an tâm nhằm bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình”.

Thời gian qua, nhờ tập trung phát huy tinh thần “Đồng khởi mới”, Chi cục đã nhạy bén, linh hoạt trong khâu thực hiện. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên đông đảo, sâu rộng tại các địa phương. Do đó, công tác tuyên truyền của ngành luôn đạt yêu cầu. 6 tháng qua, Chi cục tổ chức gần 550 buổi sinh hoạt chuyên đề về ATVSTP tại các tổ nhân dân tự quản. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn thực phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để phong trào thi đua “Đồng khởi mới” đi vào thực chất và có ý nghĩa thiết thực trong việc đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh, bà Trang cho biết, ngành sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan tổ chức kiểm tra. Tăng cường công tác truyền thông, tập huấn chuyên môn cho cán bộ tuyến cơ sở. Đồng thời tổ chức tư vấn, thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP; cấp giấy xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm cho công nhân các cơ sở, công ty sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và nhà hàng trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn ở khu công nghiệp; điều tra, xử lý, báo cáo các vụ ngộ độc thực phẩm đúng quy định.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN