Thi trượt không hẳn là bế tắc

26/06/2010 - 09:08
Nhiều học sinh theo học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Long

Với phương thức “thi cụm, chấm chéo”, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, tỉnh đã có hàng ngàn học sinh (HS) thi trượt. Số HS này sẽ học gì đây khi mà không còn kỳ thi tốt nghiệp THPT lần hai trong năm?

Đường học vấn vẫn còn rộng mở

Theo Công văn số 1127 của Bộ GD-ĐT, HS đã học xong lớp 12 mà chưa hoặc thi trượt tốt nghiệp THPT vẫn còn cơ hội học tại các trường trung câƠp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN). Thực hiện quy định này, các trường TCCN, TCN tổ chức xét tuyển (ngoại trừ các trường trung cấp năng khiếu), không hạn chế nguyện vọng đăng ký xét tuyển và số đợt tuyển.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bến Tre có gần 26% TS (hệ giáo dục THPT) và hơn 66% TS (hệ giáo dục thường xuyên) thi trượt. Các em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Song, đây không phải là đường cùng. Các em vẫn còn nhiều cơ hội đi tiếp con đường học vấn bằng cách nộp hồ sơ đăng ký học ở một trường TCCN, TCN nào đó. Cả nước hiện có gần 1.000 trường dạy nghề, cơ sở đào tạo nghề, trong đó có hơn 250 trường TCN, hơn 700 trung tâm dạy nghề với tổng chỉ tiêu hàng năm hơn 64.000 học viên; có 550 cơ sở đào tạo hệ TCCN, trong đó 250 trường TCCN và 300 trường ĐH, CĐ có cơ sở đào tạo hệ TCCN. Riêng tỉnh Bến Tre có 2 cơ sở đào tạo nghề là trường TCN Bến Tre và CĐN Đồng Khởi; 3 trường TCCN: CĐ Bến Tre, Trung cấp Y tế Bến Tre, TC Văn hóa nghệ thuật... Hàng năm, các trường TCN, TCCN trên cả nước đón nhận số lượng lớn học viên chưa tốt nghiệp hoặc trượt tốt nghiệp THPT. Chỉ tính năm 2009, có gần 20.000 TS trượt tốt nghiệp THPT được xét tuyển vào các trường TCCN, TCN. Đây là cơ hội để  các bạn trẻ chuẩn bị hành trang vào đời. Phó hiệu trưởng Trường CĐN Đồng Khởi - Ngô Kim Phượng cho biết: “Chọn học ở trường TC là hướng đi đúng đắn đối với HS thi trượt tốt nghiệp THPT, CĐ, ĐH. Bởi xã hội luôn cần nguồn lực lao động dồi dào, đa đạng ngành, nghề đào tạo. Học ở đây, sau khi ra trường, học viên nhận được bằng TC, đó là giấy thông hành để các em tiến xa hơn trên đường đời”.

Tạo điều kiện cho HS thi trượt tốt nghiệp THPT có ngành, nghề trong tay để xây dựng sự nghiệp, tương lai, năm nay, trường CĐN Đồng Khởi mở nhiều nghề khác nhau như: cơ khí cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh, điều hóa không khí, điện tử công nghiệp, điện tử dân dụng, kế toán doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, hướng dẫn du lịch, may và thiết kế thời trang... “Ở trường TCN Bến Tre cũng dành 1/3 tổng chỉ tiêu xét tuyển TS trượt tốt nghiệp THPT vào ngành cơ khí, cầu đường, kế toán, xây dựng dân dụng, điện công nghiệp và tin học. Trường đang mở rộng thêm một số ngành nghề đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ ô-tô, cơ khí cắt gọt kim loại, kỹ thuật hàn, điện công nghiệp. Trường còn phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo điều kiện cho các học viên sau khi ra trường có ngay việc làm”, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Phòng Đào tạo trường TCN Bến Tre cho biết. Theo ông Lê Thành Công - Hiệu trưởng trường CĐ Bến Tre, năm nay trường tiếp tục xét tuyển TS chưa được công nhận tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp THCS vào học 13 chuyên ngành đào tạo bậc TC. Trong đó, trường dành 600 chỉ tiêu cho TS chưa tốt nghiệp THPT và tốt nghiệp THPT vào các lớp: điện dân dụng và công nghiệp, xây dựng dân dụng và công nghiệp, sửa chữa ô tô xe máy, điện tử – tin học, kế toán doanh nghiệp sản xuất, kế toán thương mại - dịch vụ, kế toán hành chính sự nghiệp, quản lý ngân sách nhà nước, thuế nhà nước, bảo hiểm, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản; và dành 100 chỉ tiêu cho HS THCS hệ 9+3 vào các lớp kế toán doanh nghiệp sản xuất, điện dân dụng và công nghiệp. Ngoài ra, trường còn dành 150 chỉ tiêu cho hệ vừa học vừa làm cho ngành chăn nuôi thú y, kế toán doanh nghiệp.

Học nghề... cũng nhận được nhiều thứ

Trượt tốt nghiệp THPT, HS có thể chọn học nghề trước khi tính đến việc học lên bậc học cao hơn. Bởi học nghề có học phí thấp (trên dưới 800.000 đồng/học kỳ), thời gian đào tạo ngắn và quan trọng nhất là ra trường dễ tìm được việc làm. Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, trường CĐN Đồng Khởi Ngô Quốc Phong khẳng định: “Với chương trình đào tạo chuyên nghiệp, mang tính thực hành cao (70% thực hành, 30% lý thuyết), học viên dễ thích ứng với công việc sau khi ra trường. Vả lại, đặc thù của các trường TCN hiện nay là, có trung tâm giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động, vì vậy, trường sẽ giới thiệu việc làm phù hợp năng lực của học viên ở các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Hoặc là, nếu học viên muốn học bậc cao hơn, trường cũng sẽ tạo điều kiện, liên thông mở các lớp bậc CĐ, ĐH. Hiện nay, đã có các lớp CĐN và đang tính đến việc mở các lớp đào tạo nghề bậc ĐH. Từ đây cho thấy, con đường học nghề không ngừng được mở rộng.

Đất nước càng phát triển, việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề càng trở nên bức thiết. Thời gian qua có rất nhiều nghề đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội, như nghề cơ khí cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, lập trình mạng máy tính (đối với nam); may, thiết kế thời trang, kế toán (đối với nữ)... Nhiều ngành, nghề sau khi tốt nghiệp ra trường các em được tuyển dụng với mức lương khá cao, từ 2-2,2 triệu đồng/tháng, ví dụ như nghề lập trình máy tính, lắp ráp điện tử. May và thiết kế thời trang cũng là một trong những nghề dễ tìm được việc làm với mức lương khởi điểm từ 1,6-1,7 triệu đồng/tháng. Nhiều học viên ra trường nhanh chóng trở thành chuyền trưởng, chuyền phó của các công ty may trong tỉnh như công ty may Việt Hồng, Alice Once, Ấn Độ.

Không riêng thị trường lao động trong nước, ở nước ngoài, việc bố trí vị trí công việc luôn dựa vào trình độ tay nghề. Người lao động có bằng cấp nghề bao giờ cũng có vị trí công việc tốt và mức lương cao hơn nhiều so với lao động bình thường. Nhận thức được điều này, những năm qua, nhiều HS trượt tốt nghiệp THPT nộp hồ sơ vào trường TCN học.

Sau khi tốt nghiệp, có em xin vào làm ở các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có em đi xuất khẩu lao động. Trường hợp của anh Nguyễn Văn Tươi, quê ấp Tiên Long, Châu Thành là một ví dụ. Sau khi trượt kỳ thi tốt nghiệp THPT, anh  đã đăng ký học lớp sơ cấp nghề cơ khí tại Trường CĐN Đồng Khởi và xin đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản với mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng (sau 3 tháng tăng 16 triệu đồng/tháng). Anh Trần Thái Cường cũng vậy, đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc với tấm bằng TC điện công nghiệp. Sau khi kết thúc hợp đồng, anh về nước làm việc cho công ty điện M.C ở Tp HCM. Anh Thái Cường chia sẻ: “Có bằng TC nghề trong tay, tôi tự tin hơn khi làm việc, dù ở  bất cứ môi trường nào”.

Có thể nói, với các em HS THPT, vẫn còn quá sớm để bước vào đời, vì vậy, tranh thủ đầu tư học một ngành, nghề nào đó, dù ở bậc TC vẫn là việc làm bổ ích. Chúng ta không nên nghĩ rằng trượt tốt nghiệp THPT hay trượt ĐH, CĐ là bế tắc, bởi thực tế vẫn còn rất nhiều con đường dẫn đến thành công. Thiết nghĩ, nếu chúng ta có quyết tâm cao thì học ở các trường TCCN, TCN sẽ là bước đệm để chúng ta thực hiện ước mơ vào đại học.

 

H. THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN