Giữa cái nắng chói chang mùa hạ, hai anh em đang ngồi câu cá gần một con kênh. Có tiếng vọng ra từ một ngôi nhà sang trọng: “Bánh kem nè, ngon lắm, ăn đi con, giỏi mẹ cưng”, và tôi nghe tiếng đứa trẻ hét lên: “Không! Không con không ăn, vứt nó đi, vứt nó đi”.
Thấy bánh kem dính đầy bụi đất, đứa anh vội vàng đưa bánh lên miệng thổi vừa nói: “Để anh thổi bớt bụi đất rồi hai anh em mình cùng ăn”. Nào ngờ thổi mạnh quá chiếc bánh rơi tõm xuống kinh, hai anh em nhìn theo tiếc rẻ. Đứa anh vội đưa năm ngón tay còn dính kem và bảo: “Em liếm ba ngón tay của anh còn dính bánh kem nè, còn anh chỉ liếm hai ngón thôi”.
Hình ảnh ấy thật sự làm tôi xúc động, hỏi ra mới biết: “Tuấn Anh và Tuấn Em là con thứ 6 của anh N.V.H và chị N.T.K ở ấp 3, xã Mỹ Thạnh (Ba Tri).
Chị mới 40 tuổi mà đã 6 lần “vượt cạn”. Sau lần song sinh thứ 6, gia đình nầy rơi vào hộ nghèo loại A của xã. Với suy nghĩ: trời sinh voi, sinh cỏ. Để giờ đây voi đâu không thấy, chỉ thấy quây quần bên anh chị là 7 “chú vịt trời”.
Sáng sáng mở mắt ra là tủa đi “tìm mồi”. Từ bắt ốc, hái rau, câu cá... để kiếm chút cái ăn. Khi cán bộ dân số đến vận động anh chị kế hoạch hóa gia đình thì anh thản nhiên đáp: “Tôi nuôi 100 con vịt còn nổi, huống hồ gì có 7 đứa con”. Tôi thật sự không biết nói gì hơn, chỉ mong chị sớm thực hiện KHHGĐ tự cứu lấy mình và các con đừng để chúng phải tủi hờn bởi sự thiếu thốn.
Chia tay hai bé mà dư âm về chúng còn đọng mãi trong tôi. Phải chăng hậu quả của một thời sinh đẻ không kế hoạch?