Thợ mộc

28/11/2014 - 07:23
Minh họa: Lê Uyên

Ngoại tôi có năm người con trai thì có tới bốn cậu lần lượt đi bộ đội. May mắn là ngày quê hương hòa bình, các cậu khỏe mạnh trở về gặp nhau. Mỗi khi nhà có đám giỗ, nhất là giỗ ông cụ, các cậu thường kể chuyện tháng năm binh lửa với những trận đánh oai hùng.

Cậu ba thì kể về cách diệt giặc bằng ong vò vẽ hay bắn lựu đạn bằng nạn thun vào đồn bót địch. Bọn chúng bên trong bắn trả loạn xạ và khiếp vía vì không biết hỏa lực từ nơi nào tới. Tôi rất khoái chí khi ngồi trên bộ ván nghe chuyện của cậu. Thú thật, dạo đó tôi mới học trường làng nên không hiểu lắm về chiến tranh, chỉ biết là bên mình luôn thắng. Đúng vậy, y như những câu chuyện cổ tích. Người làm ác sớm muộn gì cũng đền mạng, làm việc thiện ai cũng thành công.

Cậu ba có nghề thợ mộc, cùng với tám người nữa làm nhà cho ngoại. Tôi nhớ như in năm đó tôi học lớp hai, còn anh Bĩnh thì học lớp bốn trường làng. Mỗi khi tan học về, hai anh em thường rủ nhau sang nhà ngoại, xem cậu ba và mấy chú đục đẽo, vang chuỗi âm thanh cộc cạch thật êm tai.

Tôi hay ngồi trên khúc cây to, dài như cái chày vồ, khi hứng chí, tôi vác khúc cây đó lên vai. Cậu ba và mấy chú thợ ngơ ngác nhìn, sợ tôi sơ ý là dập tay chân như không. Anh Bĩnh tỏ vẻ thán phục, hô to: “Thằng Bung mạnh dữ”. Anh Bĩnh nói đớt nên mọi người cười ồ, tôi cũng vậy.

Vì là thợ “cái”, cậu ba đứng giàn trò làm nhà đấy! Tôi rất ngưỡng mộ khi cậu lên tiếng sắp đặt công việc, ai nấy đều cũng phải tuân thủ theo mực thước răm rắp, không khéo thì “sai một ly đi một dặm”. Câu nói tôi nghe rất quen thuộc mỗi khi thợ nghỉ xả hơi rồi bàn tính, rút kinh nghiệm.

Thợ nghỉ trưa mà không về nhà, cơm được dọn ăn tại chỗ, giữa bữa còn có bánh trái, xôi chè ăn dặm. Đúng là làm thợ mộc sướng thiệt. Thỉnh thoảng tôi nghe mọi người rỉ tai nhau rằng, nếu không lo cho thợ mộc chu đáo thì sẽ bị yểm bùa. Sự thể thường gặp nhất là chủ nhà hay bị thức giấc đêm hôm khuya khoắt bởi phên vách, cột kèo cứ “cò kè cọt kẹt”, chốc lại răng rắc như có người đưa võng hay cưa cắt vậy. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, đó là do cây giãn nở theo thời tiết đêm ngày, mưa nắng tự nhiên chứ bùa ngải gì đâu. Tôi nghĩ, cậu ba là ruột thịt, lại làm nhà cho ngoại thì yểm bùa mần chi. Tính tình cậu lại hiền từ, điềm đạm, đâu bao giờ nặng nhẹ hơn thua gì với ai. Ngay cả tôi là đứa hay nghịch, phá phách đồ nghề, chẳng những không quở trách, mà cậu còn ân cần căn dặn cẩn thận, kẻo đứt tay chân thì nguy.

Tôi khoái cây thước nách được làm từ ba thanh gỗ ghép lại, đều đặn tạo thành tam giác đều. Nói thước nách là vì nó được đeo bên vai khi di chuyển, cũng có khi như là đứng hai tay chống nạnh, dáng cân đối đều đặn. Mãi tới năm lớp 9 khi nghe thầy giảng về hình học, tôi mới hiểu hơn về cây thước nách, cần có ba điểm mới được bằng phẳng. Cô giáo dạy văn thì có câu “kiềng ba chân” hay bếp lò thì có “ba ông táo” sẽ tạo thế vững chãi như cây thước nách. Đó hẳn là những điều ông bà để dạy dỗ con cháu được đúc kết từ trong lao động, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.

Cậu cởi trần, mặc quần lỡ, chiếc khăn rằn quấn ngang thắt lưng. Da cậu đen sạm, mồ hôi đổ bóng loáng như cây cột, cây kèo vừa được bào xong. Cơ bắp cuồn cuộn, hai cánh tay to như cây cột nhà, lưng nổi thành từng múi, khi cậu khom người, xa xa nhìn như “hiệp sĩ” được vẽ trong truyện tranh vậy.

Hồi nhỏ, cậu được ông ngoại dạy võ, còn thầy dạy võ của ông ngoại là ông Bộ gì đó, tiếng tăm lẫy lừng ở mấy dải cù lao này. Hèn chi có những đêm trăng tỉnh giấc tôi thấy cậu tới lui, ra đòn vùn vụt nhanh nhảu như con hổ, con mèo. Những tháng ngày ngủ chung với cậu, cậu thường kể cho tôi nghe chuyện ông bà, tổ tiên gốc gác của mình từ đâu tới đây lập nghiệp khai khẩn tận ngoài miền Trung lận. Cậu nói hồi nhỏ cậu được ông cụ, rồi ông ngoại kể cho nghe, giờ cậu kể lại cho tôi hết, cậu hứa là khi tôi lớn, cậu sẽ dạy võ cho tôi cốt để rèn luyện cơ thể, bảo vệ người hiền. Thú thiệt tôi không khoái đâu, tôi chỉ khoái làm thợ mộc như cậu. Khi thành nghề, dứt khoát tôi sẽ yểm bùa cho nhà nhỏ Lan lúc nào cũng có ma, vì nó hay chọc tôi nhất xóm này, nhất là bắt tôi giữ phấn, giữ chổi sau mỗi lần tan học.

Vùng đất này hồi xa xưa rừng rú hoang vu lắm, dọc theo triền sông còn sót lại những gốc cây to chừng năm người ôm mới hết. Thời ông bà tổ tiên khai khẩn, xóm này có người bị cọp ăn, có người bị cá sấu ngoạm khi thăm đăng chỉ còn lại cánh tay, cánh tay đó được chôn ở gò đất đầu xóm. Tôi nghe cậu kể mà nổi óc nhọn hoắc như mũi đinh. Tôi cuộn người trong chăn rồi thiêm thiếp. Tôi ngủ với cậu ba để lây mùi thợ mộc. Anh Bĩnh thường nói vậy.

Khi được cậu kêu cầm đầu ống mực, cọng nhợ ny-lon đen sì, tỳ vào đúng vị trí, tôi hãnh diện vô vùng. Đầu nhợ tôi cầm được đổ bằng chì, đầu kia là một khúc cây, có trục cuốn, tay quay y hệt như quay máy, mới nhìn giống toa hàng của tàu lửa mà tôi vừa mới được cô giáo dạy trên lớp hồi sáng hôm qua.

“Bặt... bặt!”. Một đường thẳng đen sì độ hơn một thước trên áp quả. Hôm đó là giao nguyên nhà, đây là phần khó nhất khi áp kèo vào cột và áp quả.

Tôi thấy cậu lấy cây thước nách đặt lên chỗ miệng cây cột cái rồi chỉnh qua, chỉnh lại, cậu nói tôi nghe rất rõ mà tôi chẳng hiểu gì cả.

“Không có cây thước này thì không làm được”.

“Sao vậy?” - Chú Tám lên tiếng.

“Một phân trên cây thước này là một tấc kèo, sai một ly đi mút cà tha”.

Tôi thích thú nhìn cậu vung rìu đẽo bỏ phần thừa của cái áp quả. Tôi đếm đúng mười chín nhát rìu. Miếng cây được thẳng băng theo lằn mực đen sì, mấy chú thợ kia trầm trồ, thán phục.

Cậu làm cho tôi cái ná bằng gỗ căm xe, lấy giấy nhám đánh bóng loáng, mát rượi tay khi cầm. Bọn bạn trong xóm rất khoái chí, thích thú mỗi khi chúng tôi vào ruộng giữ lúa, đuổi chim. Đứa nào cũng mượn ná nắn nót, nâng niu trên tay rồi giương ná, ngấm ngầm vào khoảng mênh mông của cánh đồng.

Tôi nâng niu và tự hào nhất là cây thước gỗ, tôi luôn giữ bên mình như vật kỷ niệm quý nhất của cậu cho tôi. Nó thẳng thớm, phẳng phiu và bóng loáng theo thời gian, in rõ hình mỗi khi nhìn vào như soi gương vậy.

Suốt những năm học ở trường làng, cây thước mỗi khi tôi mang đến trường là được thầy cô dùng để chỉ cho cả lớp đọc hay kẻ những ngôi nhà, đường thẳng trên bảng. Sợ nhất là đứa nào không thuộc bài, không làm bài là bị cô, thầy khẻ vào tay chan chát, đau điếng. Tôi cũng bị cô giáo khẻ tới ba lần vì không thuộc bài, rù rì chuyện riêng trong giờ học.

Hơn nửa học kỳ, nhà ngoại cũng được dựng xong. Ngôi nhà ba căn lợp ngói đỏ giữa vườn dừa xanh mượt. Cậu cùng mấy chú thợ đi qua xóm khác tiếp tục công việc làm nhà. Cậu cứ đi từ xóm này qua xóm khác, cứ thế. Tôi loay hoay rồi cũng dần đi học xa, ít được gặp cậu và ngủ chung với cậu nên chưa kịp “lây mùi thợ mộc”...

Năm tháng êm đềm, đẹp đẽ tuổi thơ lặng lẽ trôi qua lúc nào không hay, cuốn theo những ước vọng tuổi trẻ vượt khỏi tầm tay, tôi dở dang chuyện sách đèn. Mưu sinh với nghề xây dựng, tôi tha phương rày đây mai đó theo công trình nên ít có về thăm nhà. Những khi đo góc hay canh coi ngắm nghía gì đó, tôi chợt nhớ bài học vỡ lòng cậu dạy.

Dịp về thăm quê, thấy xóm làng đâu cũng nhà bê-tông mọc lên trông chắc chắn, sang trọng, hàng rào bằng lưới thép. Sang nhà ngoại, nhìn mái ngói rong rêu, vẫn hàng cột căm xe bóng loáng, ký ức tuổi thơ ùa về khiến tôi xao động. Bữa qua cồn thăm cậu ba, bắt gặp tuổi già về trên cây gậy cậu chống đi, tôi bùi ngùi vô kể. Tôi nghe như văng vẳng bên tai âm thanh êm dịu của từng đường cưa, từng nhát rìu dũng mãnh cậu vung lên năm nào...

TRẦN DUY KHANG

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN