Bộ Tư pháp cần làm tốt 3 việc để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật

19/03/2018 - 14:55

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long là người đăng đàn đầu tiên thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn sáng 19-3. (Ảnh: KT)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn sáng 19-3. (Ảnh: KT)

Sáng 19-3-2018, tại Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề: “Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”.

Theo Kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 22 của UBTVQH, việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề. Người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo trước khi trả lời chất vấn.

Đặc biệt, UBTVQH sẽ thực hiện thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/lần. Người trả lời chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội, thời gian không quá 3 phút/lần.

Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn: Làm thế nào để giúp Chính phủ kiểm soát hiệu quả thực thi pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định có nhiều yếu tố quyết định sự thành công của việc đưa một đạo luật vào cuộc sống. Bộ trưởng nhấn mạnh, về phía Bộ Tư pháp, cần phải làm ba việc. Trước hết, phải thiết kế được một hệ thống pháp luật, đạo luật khả thi, đồng bộ, không chồng chéo, dễ tiếp cận thì mới dễ đưa vào  thực hiện. Về tổ chức thi hành pháp luật thì trước hết các cơ quan nhà nước phải gương mẫu, nắm vững quy định luật, thực hiện đúng chức trách. Về ý thức tuân thủ pháp luật, trong đó có vai trò của Bộ Tư pháp trong việc phổ biến pháp luật.

“Phải làm tốt ba việc này thì mới đảm bảo thực thi pháp luật trong cuộc sống, từ trên xuống dưới, tránh trường hợp trên nóng dưới lạnh” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trả lời Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) về việc tình trạng xin lùi, xin rút các dự án luật khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay,  thời gian qua vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng xin lùi, rút, bổ sung các dự án vào chương trình hàng năm.

Theo Bộ trưởng, tình trạng này có nguyên nhân là khi đưa vào chương trình thì các cơ quan chưa trù bị hết được khó khăn; số lượng các dự án luật, pháp lệnh đưa vào chương trình rất lớn do phải thực hiện các Nghị quyết của Trung ương. Mặt khác, thời gian qua, số lượng các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi, bổ sung là rất lớn, trong khi đó Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục, đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng thẳng thắn cho rằng “cũng có lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành chưa chú trọng công tác này”.

Trả lời đại biểu Trần Quang Chiểu - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Ban hành VBQPPL thời gian vừa qua, Bộ trưởng khẳng định, luật đã góp phần nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện có một số phản ánh, kiến nghị về: vấn đề đánh giá tác động văn bản; lập đề nghị đưa dự án luật vào chương trình...

Bộ trưởng cho rằng, cần thay đổi tư duy, cách thức tham mưu trong xây dựng VBQPPL; cần xem xét lại việc lập đề nghị đánh giá việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh...

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại chất vấn về việc một số luật chuyên ngành vẫn "lọt" quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế. “Bộ trưởng nghĩ gì với chức năng gác cửa của Bộ Tư pháp, liên quan đến việc thực hiện các văn bản của Chính phủ?” - đại biểu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận thực trạng “thời gian qua có một số dự luật đưa tổ chức bộ máy vào, ví dụ như Pháp lệnh quản lý thị trường, hay một số văn bản khác cũng bằng cách này cách khác cũng gài quy định về tổ chức bộ máy”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, thực trạng này hiện nay đã có nhiều thay đổi. “Quan điểm của Bộ Tư pháp rất rõ ràng, chúng tôi quán triệt đến các anh chị em làm công tác thẩm định là trong các đạo luật không phải luật chuyên ngành mà có quy định về tổ chức bộ máy thì có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tôi theo dõi thời gian 1,2 năm trở lại đây thì thấy chưa có thêm quy định nào không phải luật chuyên ngành mà có quy định về tổ chức, bộ máy”.

Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề về nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng "nợ", chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn luật; giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật...

Nguồn ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN