Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre góp ý dự thảo Luật Giáo dục

31/05/2018 - 18:39

BDK.VN - Chiều 30-5-2018, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận, góp ý vào Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Văn Tân

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Văn Tân

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục (sửa đổi) với lý do: Luật Giáo dục được Quốc hội ban hành năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, đến nay đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần sửa đổi cho phù hợp. Phạm vi sửa đổi lần này khá lớn nên cần thiết phải sửa đổi toàn diện và lấy tên gọi là Luật Giáo dục (sửa đổi).

Bên cạnh đó, đại biểu Lam cũng cho rằng, đây là luật khung cho các luật khác như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học và hướng tới là Luật Giáo dục Mầm non, Luật Nhà giáo… Do đó, Ban soạn thảo cần xem xét tính tổng thể để sửa đổi cho phù hợp.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong cho rằng, trong báo cáo tổng kết Luật Giáo dục, Chính phủ chỉ ra 7 hạn chế, bất cập của Luật hiện hành và đưa ra 4 nội dung cần tập trung sửa đổi. Tuy nhiên, qua rà soát thì 4 nội dung mà Chính phủ đưa ra chưa giải quyết được hết các bất cập mà Chính phủ đã đưa ra, cũng như chưa giải quyết được những vấn đề bức xúc khác đã và đang diễn ra trên thực tế hiện nay như: những bất cập trong giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục, xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo, phương pháp giảng dạy và các thí điểm trong giáo dục… Do đó, cần phải rà soát, nghiên cứu để đảm bảo tính toàn diện, khả thi khi luật ban hành.

Về phân luồng học sinh, đại biểu Lam cho rằng, đây là chính sách rất quan trọng cũng là “điểm nghẽn” trong hệ thống giáo dục từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này quy định rất mờ nhạt về phân luồng học sinh. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu có thể quy định riêng điều luật về mang tính nguyên tắc phân luồng học sinh để thuận lợi hơn trong việc tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu Lam, quy định độ tuổi vào lớp 1 là 6 tuổi, lớp 6 là 11 tuổi, lớp 10 là 15 tuổi là quá cứng nhắc, gây khó khăn cho các đối tượng tham gia học tập, nhất là các em có năng khiếu, có khả năng vượt trội có thể tham gia học trước. Đại biểu Lam đề nghị nên giữ nguyên theo luật hiện hành là giao Bộ Trưởng Bộ giáo dục và Đào đạo được quy định trường hợp học trước tuổi.

Về nội dung chương trình giảng dạy đối với giáo dục thường xuyên, đại biểu Lam cho rằng, giáo dục phổ thông hiện nay gồm có các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đối với trường hợp giáo dục thường xuyên thường là các em có học lực kém, không thi đỗ vào các trường phổ thông, do đó cũng cần xem xét quy định về chương trình đào tạo thấp hơn đối với các em học ở các trường phổ thông sẽ phù hợp hơn.

Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN