Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận Luật Lực lượng dự bị động viên

11/06/2019 - 19:55

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại phiên thảo luận.

Sáng ngày 11-6-2019, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, đại biểu QH đơn vị tỉnh Bến Tre đã tham gia thảo luận.

Về nguyên tắc xây dựng LLDBĐV, đại biểu Thủy đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đăng ký, sắp xếp, huy động LLDBĐV và tạo thuận lợi cho người dân.

Đối với LLDBĐV thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý, cần thống kê và chia sẻ thông tin, đối tượng còn lại như công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự chưa qua phục vụ tại ngũ hoặc hết độ tuổi gọi nhập ngũ thì thuộc đối tượng thống kê của địa phương sẽ do địa phương cập nhật và báo cáo về cho cơ quan có thẩm quyền sắp xếp và huy động khi cần thiết. Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù cho các tỉnh miền núi Tây Nguyên, biên giới và một số tỉnh nơi có chất lượng chuyên nghiệp quân sự thấp, sĩ quan dự bị thiếu như Tờ trình số 104 của Chính phủ, được mở rộng sắp xếp, huy động đối tượng quá độ tuổi quy định nhưng còn sức khoẻ và tình nguyện tham gia LLDBĐV.

Đối với đối tượng được sắp xếp vào LLDBĐV thì được quyền biết và nhận thông tin về việc sắp xếp này để thực hiện nghĩa vụ của mình, có trách nhiệm đăng ký tạm trú, tạm vắng khi có thay đổi về chỗ ở để địa phương cập nhật thông tin, báo cáo trong tình trạng khẩn cấp.

Đối với phương tiện kỹ thuật thì nên phân chia làm 2 nhóm: nhóm phương tiện kỹ thuật thuộc về tài sản công thực hiện việc đăng ký theo quy trình, thủ tục như dự thảo Luật và nhóm phương tiện kỹ thuật thuộc sở hữu tư nhân sẽ được các cơ quan được giao sắp xếp phương tiện kỹ thuật, điều tra, thống kê tổng hợp từ các cơ quan quản lý tương ứng và cơ quan đăng kiểm.

Về số dự phòng 10 - 15% quân số của đơn vị dự bị động viên, đại biểu Thủy cho rằng, chưa đủ cơ sở xác định tỷ lệ này phù hợp hay chưa. Việc quy định dự phòng cũng chưa được tổng kết thực tiễn, chưa xác định được đối tượng đủ tiêu chuẩn sắp xếp vào LLDBĐV đạt hoặc vượt bao nhiêu so với chỉ tiêu cần huy động. Vì vậy,  không cần thiết quy định số dự phòng. Quy định thêm tỷ lệ dự phòng, tức là dự phòng của dự phòng. Hơn nữa, dự thảo chưa làm rõ tiêu chí để chọn đối tượng sắp xếp vào số dự phòng và chế độ huấn luyện cũng như chế độ, chính sách cho số dự phòng này.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN