Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế và Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

30/05/2019 - 20:13

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế.

Chiều ngày 29-5-2019 Quốc hội thảo luận ở tổ việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Về gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre cho rằng yêu cầu xử lý hình sự đối với tổ chức công đoàn, lý giải như trong tờ trình là chưa được. Cần sửa đổi Bộ luật hình sự và  một số luật chuyên ngành. Từ trước tới nay, chúng ta coi tổ chức công đoàn là tổ chức duy nhất để thương lượng tập thể, giờ lại có nhiều tổ chức. Vì vậy cần xem xét chọn về chất lượng hay số lượng. Chủ thể đại diện cho người lao động, khi gia nhập Công ước có nhiều thỏa ước ngành của nhiều công đoàn cho nên sẽ phức tạp, xung đột tăng lên, cơ chế xử lý xung đột như thế nào, cần phải dự liệu cơ chế giải quyết.

 Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thời gian qua ở các doanh nghiệp, phần lớn đều thành lập các tổ chức công đoàn, tuy nhiên, cái yếu nhất là việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể giữa người sử dụng lao động và người lao động, dẫn đến tính đại diện cho người lao động chưa đảm bảo. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đại diện cho người lao động quốc tế yêu cầu các nước phải tham gia để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, Việt nam có 35 triệu lao động phi chính thức chưa có các quy định và cơ chế bảo vệ, nên việc tham gia tổ chức ILO là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Yêu cầu tham gia tổ chức ILO là phải nội luật hóa những quy định pháp luật của chúng ta nên phải sửa đổi Bộ Luật lao động và các luật chuyên ngành khác có liên quan. Việc gia nhập Công ước 98 cũng là một thách thức của tổ chức công đoàn, đòi hỏi tổ chức công đoàn phải thay đổi phương thức hoạt động, phải đại diện thật sự cho người lao động, nếu không sẽ bị triệt tiêu, vì người lao động có quyền lựa chọn ai là người đại diện cho mình, họ chỉ chọn người đại diện thật sự cho mình.

Về Bộ luật lao động (sửa đổi), đại biểu Phong cho rằng, căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì cơ quan soạn thảo gửi tài liệu đến cơ quan thẩm tra chậm và gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cũng như thời gian đăng thông tin trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ chưa đảm bảo về thời gian, một số tài liệu trong dự án luật còn thiếu so với quy định. Phạm vi sửa đổi, bổ sung; những căn cứ, cơ sở sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, chưa được Chính phủ nêu rõ trong tờ trình. Nhiều chính sách mới tác động trực tiếp đến người lao động, được xã hội quan tâm nhưng chưa được xem xét đánh giá tác động. Việc tăng thêm giờ làm thêm từ 300 giờ lên 400 giờ/năm, qua khảo sát thì người sử dụng lao động, người lao động đều đồng tình. Tuy nhiên, cần phải phân tích tương quan lợi ích giữa người sử dụng lao động, người lao động và lợi ích xã hội; nên chọn một số ngành, lĩnh vực được tăng giờ, chứ không phải tất cả các ngành, lĩnh vực.

Về tuổi nghỉ hưu nữ 60 tuổi, nam 62 chỉ nên quy định trong các luật cán bộ, công chức, viên chức, còn đối với người lao động khác thì điều chỉnh bằng luật chuyên ngành đó.

Về tăng thêm ngày nghỉ trong năm đối với ngày 27-7 nên cân nhắc, vì đây là ngày đền ơn đáp nghĩa. Có thể nghỉ vào ngày 28-6 là ngày gia đình Việt Nam hoặc ngày cách mạng tháng 8 (19-8), không nên lấy ngày 27-7 để chọn làm ngày nghỉ. Bên cạnh đó, đại biểu Phong cho rằng hiện nay nước ta có trên 35 triệu lao động phi chính thức, nhưng các quy định của dự thảo Luật để điều chỉnh quan hệ lao động của nhóm đối tượng này còn rất mờ nhạt. Mối tương thích giữa dự án Luật với các luật chuyên ngành khác cũng cần xem xét để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Tân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN