Đại hội XIII: Tháo gỡ những “nút thắt” cản trở sự phát triển bền vững

28/01/2021 - 12:55

Lãnh đạo một số địa phương có tham luận minh họa, góp phần làm rõ thêm các vấn đề về phát triển toàn diện, bền vững trong bối cảnh tác động có tính toàn cầu được nêu trong các Văn kiện trình Đại hội.

Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN
Ông Phan Văn Mãi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội XIII của Đảng, sáng 28-1-2021, các đại biểu thảo luận về các dự thảo Văn kiện.

Lãnh đạo một số địa phương đã có những tham luận minh họa và góp phần làm rõ thêm các vấn đề về phát triển toàn diện, bền vững trong bối cảnh tác động có tính toàn cầu được nêu trong các Văn kiện trình Đại hội.

Xây dựng cơ chế, mô hình phát triển phù hợp

Tham luận tại Đại hội với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu,” Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi đánh giá với tiềm năng to lớn, lợi thế của mình, đồng bằng sông Cửu Long hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước.

Một trong những thách thức lớn mà Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt là biến đổi khí hậu. Là một châu thổ trẻ, Đồng bằng sông Cửu Long rất mẫn cảm trước tác động mang tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển trước đây và hiện nay của vùng sẽ phải thay đổi. Điều dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm về tài nguyên nước, phù sa, tình trạng mặn xâm nhập sâu, hạn hán kéo dài, nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và hệ sinh thái, môi trường...

“Để phát huy, khai thác hiệu quả, tiềm năng của mình, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, cần nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức, nhất là phân tích đầy đủ những thách thức do biến đổi khí hậu tác động đến quá trình phát triển của vùng, xây dựng các cơ chế chính sách, mô hình phát triển phù hợp,” Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, trong giai đoạn phát triển 2021-2030 và các thời kỳ tiếp theo, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học-công nghệ làm nền tảng.

Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được đề ra.

Theo đó, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị...

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi nhận định để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và kinh tế biển phát triển bền vững, trước hết cần phải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ.

Khi xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển phát triển bền vững, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi sẽ góp phần tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động kỹ thuật có tay nghề cao, dịch vụ, thương mại. Đó cũng là nền tảng cần thiết cho giáo dục phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm, khắc phục hiệu quả tình trạng di dân đang diễn ra khá nghiêm trọng.

Là một trong 13 tỉnh, thành phố của khu vực, Bến Tre hội đủ các yếu tố đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Nhận thức rõ thuận lợi và khó khăn của địa phương, gắn kết trong bối cảnh chung của khu vực, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bến Tre trong xây dựng quy hoạch, đề ra các chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đều hướng đến mục tiêu bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là “Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng... Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng Đông, liên kết vùng và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông....”

Đảng bộ tỉnh Bến Tre kiến nghị, trên cơ sở Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, các bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.

Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long như hạ tầng thủy lợi - cấp nước, giao thông-logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tỉnh Bến Tre kiến nghị nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xanh trong lĩnh vực khai thác biển; tăng cường đầu tư cho giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp trong giai đoạn phát triển mới…

Đặt người nghèo vào vị trí trung tâm của hoạt động giảm nghèo

Với tham luận “Phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,” đại biểu Đỗ Đức Duy Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái khẳng định, quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ về công tác giảm nghèo, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn coi công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ). Bình quân giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm hộ nghèo toàn tỉnh đạt 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), riêng tại 2 huyện 30a giảm bình quân 8,32%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước…

Toàn cảnh phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 28-1. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sáng 28-1. Ảnh: TTXVN

Theo đại biểu Đỗ Đức Duy, qua quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, tỉnh Yên Bái đúc rút được một số bài học kinh nghiệm. Cụ thể, các cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phải đặt người nghèo, hộ nghèo vào vị trí chủ thể, trung tâm của hoạt động giảm nghèo; xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan của tình trạng đói nghèo, thường xuyên rà soát, đánh giá, phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của toàn tỉnh, từng huyện, từng xã.

Bên cạnh đó, chương trình giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác. Đồng thời với các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, cần quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa-xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc,” trở thành tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025. Trong đó, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân trên 4,0%/năm, riêng hai huyện 30a giảm bình quân trên 5,5%/năm. Đến năm 2025, huyện Mù Cang Chải cơ bản không còn là huyện nghèo, ít nhất 40 xã đặc biệt khó khăn đạt tiêu chí nông thôn mới.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị, trên cơ sở Nghị quyết được Đại hội thông qua, Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, cần thiết kế hợp lý để tránh trùng lắp về đối tượng, nội dung, phương thức hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm phê duyệt chương trình, hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai thực hiện.

Trung ương tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho các tỉnh miền núi; trong đó, ưu tiên đầu tư cho hệ thống giao thông kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng… Khu vực miền núi phía Bắc, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, là địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng cao so với bình quân chung cả nước, nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng cao nhất cả nước; sinh kế của người dân chủ yếu gắn với kinh tế lâm nghiệp, đồi rừng.

Vì vậy, để thực hiện mục tiêu vừa giảm nghèo bền vững, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái đầu nguồn, đề nghị Trung ương nghiên cứu có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020, Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới, thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để các địa phương trong vùng, nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc có cơ sở triển khai thực hiện, thu hẹp dần khoảng cách với trình độ phát triển chung của cả nước.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN