Dự kiến tiếp tục họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

14/07/2020 - 19:06

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tiếp tục tổ chức kỳ họp thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và tập trung, trong đó đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 46, sáng 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Thống nhất trong quản lý

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng có nhiều vướng mắc của nghị định hiện hành về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Cụ thể, biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn...

Theo Bộ trưởng, so với quy định hiện nay, dự thảo Nghị định này đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính bao gồm: cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.

Một vấn đề được Chính phủ tách riêng xin ý kiến là quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tờ trình của Chính phủ đưa ra hai phương án.

Cụ thể, phương án 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Phương án này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Phương án 2 quy định: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm. Theo phương án này có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế "xin-cho" hoặc tổ chức “chui” như hiện nay. Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết 20/23 thành viên Chính phủ chọn phương án 1, trong khi chỉ có 3/23 thành viên chọn phương án 2 và 2 người có thêm ý kiến khác.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng thời gian qua, hoạt động biểu diễn diễn ra khá sôi động, rất nhiều "trái ngọt" nhưng không thiếu "trái đắng" nên cần nhìn nhận thấu đáo.

"Nghệ thuật phản ánh thời cuộc, vị nhân sinh nhưng rõ ràng vừa qua không thiếu hoạt động biểu diễn lệch lạc, làm méo mó cuộc sống. Có sự lợi dụng trong các cuộc thi người đẹp thời gian qua. Không có cuộc thi người đẹp nào mà không có lùm xùm nên cần kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp thêm cho địa phương," Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, thời gian qua “loạn” các cuộc thi người đẹp, nhan nhản những cuộc thi "hoa hậu thôn," "hoa hậu phường" nên cần có quy định chặt chẽ, rõ ràng trong việc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật.

Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, Nghị định cũng cần lưu ý công tác quản lý các hoạt động như biểu diễn đường phố, biểu diễn tại đám cưới, trẻ em hoạt động nghệ thuật…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định trước đây. Nghị định mới cần có những quy định mang tính nguyên tắc rõ ràng để tạo sự thống nhất trong quản lý, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Kỳ họp thứ 10 diễn ra trong 18 ngày

Trong phiên làm việc sáng 14-7-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Kỳ họp thứ 9 được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt. Đó là vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, với việc thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát 1 chuyên đề, xem xét các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo kiến nghị cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Kỳ họp tiếp tục được tổ chức thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và tập trung, trong đó đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày. Đáng lưu ý, tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tuyến với thời gian 3 ngày.

Lý giải thêm về đề xuất này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2."

Trong đợt 2, Quốc hội sẽ họp tập trung 9 ngày; thảo luận các báo cáo về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận 4 dự án luật. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày, mỗi đợt diễn ra trong 9 ngày. Đợt 1 bắt đầu ngày 19-10-2020 (trước 1 ngày so với quy định để tăng khoảng cách thời gian giữa 2 đợt) và kết thúc ngày 28-10-2020. Đợt 2 từ 3 đến 12-11-2020.

Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội sẽ nâng cấp các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội để bổ sung tính năng đăng ký tranh luận, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch.

Qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, Kỳ họp thứ 9 vừa rồi hơi “thiếu lửa” vì không chất vấn trực tiếp trong khi đây là hoạt động cử tri quan tâm, giám sát, chất vấn lại rất nhiều nội dung từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đều đề nghị bố trí nội dung chất và trả lời chất vấn vào đợt 2 - đợt họp tập trung của Kỳ họp; đồng thời bố trí thảo luận về kinh tế-xã hội trước chất vấn.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng chất vấn tại kỳ họp lần này là để xem xét lại việc thực hiện các nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trao đổi kết quả làm được, chưa làm được của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của cả Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, tạo cơ sở để đánh giá tổng kết nhiệm kỳ nên cách tiến hành cần hài hòa phù hợp hơn và cần bố trí ở đợt họp tập trung.

Trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN