Gắn hiệu quả quản lý với chỉ tiêu phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội

15/05/2018 - 19:46

Chiều 15-5-2018, tại Phiên họp thứ 24, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, chiều 15-5-2018, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng bảo hiểm xã hội năm 2017; xem xét báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách Nhà nước chuyển kinh phí vào Quỹ bảo hiểm xã hội và xem xét, quyết định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra quỹ bảo hiểm y tế 

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá, việc bố trí chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm... tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Bảo hiểm xã hội thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn về an sinh xã hội; tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng, phức tạp của công tác bảo hiểm xã hội. 

Việc sử dụng chi phí quản lý công khai, minh bạch, hiệu quả; tạo nguồn lực chủ động cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai kịp thời những nhiệm vụ mới, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ công trong giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội. 

Bên cạnh đó, công tác thu, chi các chế độ bảo đảm cân đối quỹ; việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm đúng, đủ, kịp thời; đầu tư an toàn và bảo toàn tăng trưởng quỹ. Công tác cải cách hành chính trong thực hiện chính sách đạt được nhiều kết quả đột phá; việc ưu tiên bố trí kinh phí cho đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ, kết quả thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được Chính phủ trình tại Báo cáo số 480/BC-CP ngày 9/10/2015 đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2018. 

Cụ thể: Năm 2016 tăng 6,2% (612 tỷ đồng); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỷ đồng); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỷ đồng). Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. 

Ngoài ra, khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai các nhiệm vụ mới phát sinh như bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp số định danh và quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình... 

Hình thức, phương pháp tuyên truyền tuy có đổi mới nhưng còn dàn trải, chưa mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển đối tượng tham gia, chưa ưu tiên tiếp cận những nhóm lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

Đáng chú ý, việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng không xác định tỷ trọng của từng nội dung chi; chưa tạo động lực khuyến khích tiết kiệm chi thường xuyên cho hoạt động quản lý bộ máy để tăng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; chưa phải là giải pháp tài chính hữu hiệu xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. 

Đối với đề xuất chi phí quản lý giai đoạn 2019 - 2021, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm. 

Ngoài ra, các cơ quan cần sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò trụ cột của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với an sinh xã hội. 

Về phương thức giao chi phí quản lý và mức chi phí quản lý, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ, quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 tính trên tổng thu, chi. Theo đó, mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (trừ số chi đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng bảo hiểm xã hội). 

Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, giảm 13% so với giai đoạn 2016-2018. Các đại biểu đề nghị trong trường hợp việc thực hiện thu, chi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong năm không đạt dự toán, thì phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm kinh phí tương ứng, bảo đảm chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi. 

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, các cơ quan, đơn vị cần coi trọng công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gắn với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, giảm biên chế trong hệ thống; nâng cao, bảo đảm chất lượng hiện đại hóa công tác quản lý bảo hiểm y tế, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với quỹ bảo hiểm y tế… 

Thông qua nghị quyết thành lập Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát  TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc 

Tại phiên họp chiều 15-5-2018, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tòa án nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; Nghị quyết về việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, với 100% số phiếu tán thành. 

Trước đó, thẩm tra Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chỉ rõ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được chuẩn bị chu đáo, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Thực hiện Nghị quyết số 484/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan, tổ chức khác của thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được thành lập, hoạt động. Vì vậy, việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc là cần thiết, bảo đảm phù hợp, đồng bộ trong hệ thống chính trị. 

Ủy ban Tư pháp tán thành với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về phương án biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên. Theo đó, sau khi được thành lập, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, sẽ kế thừa toàn bộ số lượng biên chế, tổ chức bộ máy và các điều kiện bảo đảm khác như trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Phúc Yên hiện nay. Như vậy, sau khi được thành lập, các đơn vị này sẽ đủ điều kiện và bảo đảm hoạt động được ngay.

Nguồn TTXVN/Báo tin tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN