Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

04/04/2019 - 21:27

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại hội nghị.

Sáng ngày 4-4-2019, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Đây là dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại các phiên họp lần thứ 31 và 32, UBTVQH đã cho ý kiến Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật của Chính phủ; xem xét, thảo luận về dự thảo Luật đã được chỉnh lý và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý có bố cục gồm 10 Chương, 120 Điều quy định về về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác; nhà giáo, người học; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục; nhằm mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có ý thức, phẩm chất, năng lực của công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Các đại biểu cho rằng dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã kế thừa những điểm tích cực của Luật Giáo dục 2005 và bổ sung nhiều nội dung mới tiến bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn…

Để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Mặt khác, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ cao đẳng, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 29: Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội (Điều 28)…

Lồng ghép triết lý giáo dục trong các quy định chung

Góp ý kiến về nội dung quy định về triết lý giáo dục, các đại biểu cho rằng, triết lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định mục tiêu và định hướng trong triển khai, phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Thực tế Việt Nam không đi ngoài nguyên tắc này, trong suốt thời gian qua từ lúc thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã và đang vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục được xây dựng, hình thành và phát triển qua các thời kỳ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, triết lý này thể hiện rõ trong các quan điểm, định hướng của Đảng về phát triển giáo dục và được thể chế hóa thành các quy định về mục tiêu, tính chất, nguyên lý phát triển giáo dục trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu nhận định, qua tham khảo luật giáo dục một số nước trên thế giới cho thấy, việc thể hiện tư tưởng triết lý giáo dục của các nước rất đa dạng nhưng hầu hết các luật không quy định riêng về triết lý giáo dục mà được thể hiện thông qua những quy định về mục đích, sứ mệnh, mục tiêu và nguyên lý giáo dục. Vì vậy, các đại biểu đề nghị không quy định triết lý giáo dục thành một điều khoản riêng mà sẽ thể hiện lồng ghép trong các quy định chung về mục tiêu, tính chất, nguyên lý và quan điểm phát triển giáo dục; đồng thời tinh thần triết lý giáo dục Việt Nam sẽ được thể hiện xuyên suốt trong các quy định của Luật này.

Cân nhắc thận trọng nội dung về sách giáo khoa

Bàn về quy định về sách giáo khoa quy định tại Điều 32 của dự thảo luật, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan điểm, việc quy định “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa tuân thủ theo quy định của pháp luật” và  “Cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn” là chưa phù hợp, cần thiết phải cân nhắc thật kỹ quy định này.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thu Trang - tỉnh Quảng Ngãi, thuật ngữ “sách giáo khoa” được hiểu là một loại sách chuẩn cho một môn học, ngành học. Do vậy, yêu cầu chung đặt ra là kiến thức trong sách giáo khoa phải khoa học, chuẩn xác. Đặc biệt, sách giáo khoa ngoài việc cung cấp kiến thức còn phải có chiều sâu giáo dục hình thành nhân cách; thể hiện được định hướng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, yêu thương con người; phát huy truyền thống, bản sắc dân tộc… để phát triển con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa đúng hướng. Nữ đại biểu cho rằng, đây thực sự là vấn đề quan trọng liên quan đến chiến lược đối với chủ nhân tương lai của đất nước.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến đại biểu thảo luận tại hội nghị cũng cho rằng, sách giáo khoa cần phải thống nhất sử dụng chung trong cả nước, do Hội đồng cấp Quốc gia do Chính phủ thành lập biên soạn, sử dụng được nhiều lần và chỉ mở rộng một số môn học để địa phương biên soạn, giảng dạy về đặc thù của địa phương. Cùng với đó, quy định Hội đồng cấp quốc gia tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, cải tiến, nâng cao để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Qua khảo sát tình hình thực tiễn tại nhiều địa phương, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, chỉ nên có 1 chương trình và 1 bộ sách giáo khoa thống nhất áp dụng chung trong cả nước mà thôi. Cùng một địa phương mà mỗi trường giảng dạy một sách giáo khoa khác nhau là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, việc quy định "cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn" cũng còn mang tính hình thức. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc thật thận trọng đối với nội dung này.

Tại hội nghị, các quy định liên quan đến nhà giáo; đầu tư tài chính trong giáo dục; quản lý nhà nước về giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của nhà trường… cũng được các đại biểu dành thời gian quan tâm, thảo luận.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cảm ơn các ý kiến đóng góp góp thẳng thắn, chân thành của các đại biểu chuyên trách tại hội nghị; khẳng định Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Dự kiến, chiều mai 5-4-2019, hội nghị sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung của Luật Giáo dục (sửa đổi).

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN