Ông Lê Quang Mạnh được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ

25/09/2020 - 20:39

Sau 3 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, ngày 25-9-2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thành công tốt đẹp.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 50 đồng chí.

Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy gồm 15 đồng chí.

Ông Lê Quang Mạnh - Phó bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND thành TP Cần Thơ được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Lê Quang Mạnh sinh 14-4-1974, quê quán huyện Mỹ Đức (Hà Nội), trình độ chuyên môn Tiến sĩ Kinh tế.

Trong quá trình công tác, ông đã đảm nhiệm các chức vụ: Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Hội nghị đã bầu ông Phạm Văn Hiểu - Phó bí thư Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch HĐND Thành phố và ông Trần Việt Trường, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020 giữ chức Phó bí thư Thành ủy Cần Thơ nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy gồm 11 đồng chí.

Đại hội đã tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV.

Mục tiêu phát triển thành phố giai đoạn 2020-2025 là xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ xanh, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc miền Tây Nam Bộ; là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long về công nghiệp, dịch vụ phục vụ công nghiệp chế biến và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học và công nghệ, du lịch, văn hóa và thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Đại hội thông qua Nghị quyết 20 chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Các chỉ tiêu nổi bật như tăng trưởng kinh tế GRDP giai đoạn 2020-2025 bình quân đạt từ 7,5 đến 8%/năm.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 145-160 triệu đồng, tương đương từ 6.200-6.800 USD. Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao.

Tỷ lệ thu ngân sách/GRDP bình quân khoảng 12-14% GRDP/năm. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn dưới 0,5%. Hàng năm, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên, phát triển 7.000 đảng viên mới. Tỷ lệ quần chúng tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội đạt 74% dân số trong độ tuổi...

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu trên, Đại hội đề ra các giải pháp chủ yếu như: Chủ động kiến nghị với Trung ương và phối hợp với các địa phương trong vùng để hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW gắn với phát triển tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế tri thức, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối nội vùng và liên vùng; tăng cường quản lý đô thị, đặc biệt là trật tự kỷ cương, văn minh đô thị; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ phát triển kinh tế, làm nền tảng phát triển thành phố bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Đại hội xác định 3 khâu đột phá là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Khâu đột phá thứ hai là huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, logistics; phát triển thị trường tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hành động, phục vụ.

Khâu đột phá thứ ba là tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông; khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu gồm 17 đồng chí đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN