Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu

28/01/2021 - 14:22

BDK.VN - Tiếp tục chương trình làm việc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng 28-1-2021, lãnh đạo một số địa phương đã có những tham luận minh họa và góp phần làm rõ thêm các vấn đề về phát triển toàn diện, bền vững trong bối cảnh tác động có tính toàn cầu được nêu trong các văn kiện trình ĐH. Thay mặt đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trình bày tham luận chủ đề: “Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi trình bày tham luận tại đại hội. Ảnh: TTXVN

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhất trí cao với các văn kiện của đại hội. Tại diễn đàn trọng thể này, chúng tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”, nhằm minh họa và góp phần làm rõ thêm các vấn đề về phát triển toàn diện, bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng được nêu trong các văn kiện trình ĐH.

ĐBSCL có vị trí địa - kinh tế, địa - chiến lược quan trọng; với diện tích gần 4 triệu héc-ta, dân số 17,5 triệu người, hơn 700km bờ biển và trên 360 ngàn km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; xuất khẩu 95% lượng gạo và 60% lượng cá của cả nước... ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đây còn là vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo, có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế…

Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại nhiều “nút thắt”, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước, như: thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực, một cơ chế liên kết vùng hiệu quả; tài nguyên đất, nước và môi trường khai thác sử dụng chưa hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển của vùng; nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế; chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... Bên cạnh đó, ĐBSCL đang đối mặt với một thách thức rất lớn là BĐKH và nước biển dâng. Là một châu thổ trẻ, BĐSCL rất mẫn cảm trước tác động của BĐKH và nước biển dâng, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên vốn có của vùng sẽ bị mất đi hoặc thay đổi theo hướng bất lợi. Điều dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm tài nguyên nước và phù sa, tình trạng mặn xâm nhập sâu và hạn hán kéo dài, nước biển dâng đã tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và hệ sinh thái, môi trường của vùng.

Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đưa ĐBSCL phát triển bền vững, cần phân tích, nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức tác động đến quá trình phát triển của vùng; từ đó, xây dựng các cơ chế chính sách, mô hình phát triển phù hợp. Việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực phải có tính tích hợp, liên ngành và liên vùng nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 120 của Chính phủ là nhiệm vụ rất nặng nề, không chỉ của riêng vùng, mà phải gắn với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành; đòi hỏi có sự thống nhất, kết nối đồng bộ giữa các địa phương, các ngành và các lĩnh vực.

Trong giai đoạn phát triển 2021 - 2030 và các thời kỳ tiếp theo, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học - công nghệ làm nền tảng. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp thích ứng BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra. Cụ thể là:

- Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững thích ứng với BĐKH và nước biển dâng; tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có, chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ. Quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh, hữu cơ, công nghệ cao, định hướng thị trường. Chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến - thương mại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu có thể được xem là giải pháp khả thi và bền vững trong trước mắt và dài hạn. Đồng thời, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái và các hình thức thương mại trực tiếp.

- Tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị... trong bối cảnh BĐKH. Trong đó, định hướng phát triển kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo được xem là một chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững. Khai thác phát triển kinh tế biển sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, cần được quan tâm đầu tư để ĐBSCL thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

- Quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực, mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương. Thực tế những năm qua, nhiều công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng. Đồng thời, khi hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, đa mục tiêu, đa chức năng cùng với các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối thông suốt các trung tâm nông nghiệp và công nghiệp, hình thành nên chuỗi các đô thị, tạo diều kiện phát triển các dịch vụ, tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội bộ vùng, giữa vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ... Từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, “tháo gỡ” được một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian qua.

Khi xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển phát triển bền vững, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi sẽ góp phần tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động kỹ thuật có tay nghề cao trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Đó cũng là nền tảng cần thiết cho giáo dục phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm, khắc phục hiệu quả tình trạng di dân của vùng đang diễn ra khá nghiêm trọng như hiện nay.

Là một trong 13 tỉnh, thành của khu vực, có thể nói Bến Tre hội đủ các yếu tố đặc trưng của vùng ĐBSCL, giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển. Mặt khác, là tỉnh cù lao được bao bọc bởi các con sông lớn và 65km bờ biển, sông rạch chằng chịt, Bến Tre là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng, minh chứng qua đợt mặn năm 2016 và 2020, mặn xâm nhập sâu bao phủ toàn tỉnh và kéo dài, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Trên cơ sở tiếp thu tinh thần các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh và vùng ĐBSCL, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng... Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển tỉnh về hướng Đông, liên kết vùng và chủ động thích ứng với BĐKH là mũi đột phá tương lai...”.

Từ việc đánh giá thực trạng, tiềm năng, lợi thế của địa phương và khu vực, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng phát triển bền vững vùng ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn vùng và sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương. Nhân diễn dàn trọng thể này, Đoàn Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre xin kiến nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, trên cơ sở Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bám sát chủ trương, định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 120, rất mong các bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng BĐKH, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của mình. Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng.

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển toàn diện kết cấu hạ tầng cho vùng ĐBSCL như: hạ tầng thuỷ lợi - cấp nước, giao thông - logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, chúng tôi đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến giao thông động lực ven biển nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thích ứng với BĐKH, nước biển dâng.

Thứ ba, Trung ương quan tâm định hướng, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư tại ĐBSCL, gắn với tái cấu trúc nền kinh tế toàn vùng trên nền kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển. Thúc đẩy hình thành các khu kinh tế - quốc phòng vùng ven biển, vùng bên giới đáp ứng yêu cầu phát triển và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Thứ tư, Trung ương cần có cơ chế phát triển khoa học công nghệ cho vùng, nhất là cho ngành nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng.

Thứ năm, kính đề nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành nghị quyết về phát triển toàn diện ĐBSCL, để định hướng sự phát triển bền vững của vùng và cả nước trong dài hạn. Kính đề nghị Quốc hội ban hành Luật ĐBSCL, trong đó nghiên cứu thí điểm mô hình cơ quan hành chính cấp vùng tại ĐBSCL.

Người dân ĐBSCL có truyền thống cần cù, sáng tạo; truyền thống ấy sẽ được phát huy trong giai đoạn mới, xây dựng ĐBSCL không chỉ là vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại, thịnh vượng, mà sẽ trở thành khu vực mạnh về biển, giàu lên từ biển, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và những chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN