Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

23/03/2020 - 16:17

Tại Phiên họp thứ 43 diễn ra vào sáng 23-3-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Dự án Luật hiện được xây dựng gồm 7 chương với 78 điều, quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật áp dụng đối với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung thảo luận, đóng góp vào những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ...

Liên quan đến nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế (Điều 4), có ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để khắc phục tình trạng chống chéo, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về nội dung nêu trên, thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các Luật có liên quan (như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư); đồng thời sửa đổi, bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể tại dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng…; sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật khác tại Điều khoản thi hành của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với những nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6), nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên các phụ lục 1, 2 và 3 của Luật Đầu tư. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, bỏ phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Theo Ủy ban Kinh tế, về vấn đề này có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là tiếp thu, giữ lại phụ lục 1, 2 và 3 như Luật Đầu tư hiện hành trên cơ sở rà soát quy định Danh mục ban hành kèm theo để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, vì đây là những nội dung liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải quy định trong luật.

Loại ý kiến thứ hai là giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, giao Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm này, đồng thời bảo đảm thực thi cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế cũng như yêu cầu quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất.

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, một số ý kiến phát biểu đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Về nội dung này, theo Ủy ban Kinh tế, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h, khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành, vì việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật. Để hạn chế tiêu cực phát sinh, loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Loại ý kiến thứ hai là giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (Điều 27), một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên tắc, quy định cụ thể việc lựa chọn nhà đầu tư tại Điều 27. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc, điều kiện áp dụng từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 dự thảo Luật. Qua ý kiến đóng góp của Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Điều 27 dự thảo Luật theo hướng quy định rõ:

Trường hợp dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, trong đó có: chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với lựa chọn nhà đầu tư (nếu dự án thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai); chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa lựa chọn nhà đầu tư đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư nếu dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với trường hợp dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư thì việc đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Trường hợp này không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Đồng thời các dự án này cũng không phải đấu giá quyền sử dụng đất vì theo quy định của pháp luật về đấu thầu thì đây là các dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự án luật, sau đó xin ý kiến các đại biểu Quốc hội bằng văn bản, tổng hợp ý kiến đóng góp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

* Cũng trong sáng 23-3-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 10 chương với 213 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Đối tượng áp dụng của luật là: các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Dự luật cũng nêu lên quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như: Cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, yêu cầu người thành lập doanh nghiệp nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của luật này và điều lệ công ty. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp...

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị cơ quan thẩm tra, soạn thảo cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của luật này với các luật khác liên quan để tránh mâu thuẫn, xung đột khi đã sửa rồi.

Về hộ kinh doanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần có luật để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của hộ kinh doanh. Tuy nhiên, có quy định tại luật này hay có bộ luật riêng thì còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất có hai phương án để trình ra Hội nghị cán bộ chuyên trách, xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội… Mỗi bên cần đưa ra phương án có lý lẽ thuyết phục để các đại biểu Quốc hội nhận được đầy đủ thông tin.

Về khái niệm doanh nghiệp nhà nước, cần khẳng định khái niệm doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần, có quyền biểu quyết với tỷ lệ chi phối trong doanh nghiệp. Cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần thống nhất có một khái niệm…

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị không quy định doanh nghiệp khởi nghiệp có quyền phát hành trái phiếu riêng lẻ.

TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN