Quốc hội thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

25/05/2018 - 12:37

Ngày 25-5-2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017).

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh ĐBND

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). Ảnh ĐBND

Trong phiên thảo luận này, Quốc hội cũng tiến hành thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Bức tranh kinh tế rất sáng và đáng mừng

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH năm 2017 và những tháng đầu năm, qua đó khẳng định những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các mục tiêu được Quốc hội giao.

Để hạn chế sự lãng phí trong triển khai các chính sách được Quốc hội ban hành, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, trong thời gian qua, việc chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các chính sách. Đơn cử, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội Khóa XIV thông qua  năm 2017, trong đó có quy định kho số viễn thông và kho số khác thuộc quản lý Nhà nước là tài sản công, trong đó có biển số xe. Nếu sớm triển khai đấu giá biển số xe ô tô thì hàng năm ngân sách sẽ thu về khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ việc đấu giá hơn 12% số biển số đẹp được sắp xếp có quy tắc, biển số được người dân ưa thích và hơn 60% số biển số theo yêu cầu của người dân trong kho số. 

Nhưng khi xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu giá biển số, có ý kiến đề xuất chỉ đấu giá biển số có 5 số, 4 số, 3 số giống nhau, số tiến và những số người dân có nhu cầu, chỉ chiếm 1% tổng kho số. Bên cạnh đó, có ý kiến không cho phép người có biển số thông qua đấu giá được tiếp tục sử dụng cho những chiếc xe khác của mình. Với con số dẫn chứng hơn 12% biển số đẹp khi đề xuất trong ban hành Luật, đến khi xây dựng dự thảo Nghị định còn chưa 1% biển số đẹp, giảm hàng chục lần… theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đây là sự lãng phí khi đưa luật vào cuộc sống.

Đại biểu đề nghị “Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo ban hành văn bản hướng dẫn việc bán biển số xe đẹp trong kho số với số lượng cao hơn, với quy định người mua biển số đẹp, biển số theo yêu cầu được sử dụng cho chiếc xe tiếp theo của mình”.

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về KT-XH, cho rằng báo cáo  có chiều sâu, số liệu đầy đủ, thuyết phục; khẳng định bức tranh KT-XH năm qua rất sáng, mang lại niềm tin cho cử tri và nhân dân. Chúc mừng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những kết quả đã đạt được, đại biểu nêu một loạt số liệu về công, nông, ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều tăng trưởng vượt bậc để minh chứng cho nhận định của mình. 

Bên cạnh đó, đại biểu góp ý một số nội dung nhằm phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm...

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ tán thành cao với báo cáo KT-XH của Chính phủ, cho rằng những kết quả đã đạt được trong năm 2017 và những tháng đầu năm là hết sức đáng trân trọng. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm đánh giá về một số nội dung: Hiệu quả chính sách, chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, để qua đó có định hướng hoàn thiện chính sách.

Đại biểu cũng góp ý một số nội dung về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; một số địa phương vẫn còn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; một số vấn đề liên quan đến chuyển nguồn vốn đầu tư công; nhiều dự án vẫn còn vượt tổng mức đầu tư; huy động nguồn lực ODA; vấn đề tiếp dân và xử lý đơn thư...

Các chỉ tiêu KT-XH 2018 sẽ tiếp tục thành công

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ, cho rằng, năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, tình hình KT-XH đất nước đạt được nhiều kết quả nổi bật với những con số hết sức ấn tượng. 

Lần đầu tiên 12/13 chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô ổn định, dịch vụ du lịch tăng trưởng khá. Xếp hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện mạnh mẽ do nỗ lực của Chính phủ. Công tác phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước làm nức lòng người dân. Đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành trung tâm, sự sáng tạo của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, người dân, chỉ số lòng tin của người dân dần dần được nâng lên… 

“Với đà này, tôi tin tưởng rằng các chỉ tiêu KT-XH năm 2018 sẽ tiếp tục thành công như mong đợi” - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu bày tỏ.

Mạnh tay, ngăn chặn đẩy lùi các hành vi mất nhân tính

Ghi nhận kết quả đạt được, song đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng thẳng thắn: Cử tri đòi hỏi Chính phủ cần làm nhiều hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn những vấn đề bức xúc đang đặt ra. Trước hết là suy thoái về đạo đức, kỷ cương chưa nghiêm. 

Theo đại biểu: “Thời gian qua đã xảy ra những chuyện động trời, khó tin, hành vi mất nhân tính: Dùng than tre làm thuốc chữa ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, hiện tượng bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non… Cử tri lo lắng và ước gì điều kiện vật chất được như hiện nay, còn bạo lực được như ngày xưa”. 

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, “do đạo đức xuống cấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay trừng trị ngăn chặn, đẩy lùi hành vi mất nhân tính như trên càng sớm càng tốt”. 

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, cử tri phấn khởi kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn còn tâm tư với những việc làm thất thoát NSNN, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng cơ bản. Tình thực hiện sử dụng đất gây thất thoát cho ngân sách, đất để qua nhiều năm không sử dụng, trong khi nhân dân không có đất để sản xuất. Tình trạng dự án treo vẫn xảy ra nhiều, xuất hiện tình trạng đầu cơ, chọn đất vàng để chuyển nhượng làm lợi cá nhân nhưng lại thất thoát tài sản nhà nước. Trong xây dựng cơ bản, cử tri so sánh, nếu xây dựng ngôi nhà mất 650 triệu đồng, trong khi nhà nước xây khoảng 1 tỷ đồng mà chất lượng không bằng của người dân. 

Cử tri kiến nghị Nhà nước cần tính toán lại định mức, bù giá, trượt giá, đội giá nếu không sẽ thất thoát hơn. Kiểm toán nhà nước tại các dự án BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp, cá biệt như dự án kè sông Kê Sào ở Ninh Bình, điều chỉnh tăng đến 36 lần. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rốt ráo để giải quyết các vấn đề này.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khẳng định kinh tế đất nước năm 2017 có sự tăng trưởng ngoạn mục, với nhiều điểm sáng, những thành tựu toàn diện đã đạt được khẳng định quyết tâm rất cao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và cả hệ thống chính trị... Tuy nhiên đại biểu cũng chỉ ra những khoảng lặng, những khó khăn, thách thức và góp ý một số giải pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững; nâng cao mức tích lũy của nền kinh tế;...

Tiếp đó, các đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long), Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Trần Công Thuật (Quảng Bình), Trần Thị Hồng (Bắc Ninh), Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Phan Viết Lượng (Bình Phước)... phát biểu một số vấn đề góp phần cùng Chính phủ xây dựng các giải pháp điều hành cho năm 2018 và những năm tiếp theo như: Đảm bảo tăng trưởng bền vững; thúc đẩy chuyển giao khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động; tối giản hóa thủ tục hành chính; khắc phục những hạn chế đầu tư công trong nông nghiệp; sửa đổi mức hạn điền, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất để phát triển các vùng chuyên canh lớn trong nông nghiệp; đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; tái cơ cấu nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCL; các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thời hội nhập; xử lý các dự án thua lỗ; chống khai thác cát trái phép; ngăn chặn nạn phá rừng; giải pháp căn cơ để không còn câu chuyện "nông nghiệp giải cứu", "nông nghiệp từ thiện"; phát huy tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bảo đảm phát triển đồng đều và phát triển những khu kinh tế động lực của đất nước; xây dựng các thiết chế văn hóa, xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp;...

GDP tăng cao nhất 10 năm qua

Trước đó, tại phiên khai mạc sáng 21/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Báo cáo cho thấy, thời gian qua kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD...

Một trong những ”điểm sáng” của nền kinh tế đất nước được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề cập là tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm qua. Điểm nổi bật là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%)…

Xuất siêu 3,4 tỷ USD, chứng khoán vượt đỉnh

Đáng chú ý là xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà…

Báo cáo cũng cho biết, tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 10,1%, chủ yếu là nhập nguyên, vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Xuất siêu 3,4 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thị trường chứng khoán tiếp tục xu hướng tăng, có thời điểm vượt đỉnh 10 năm (1.170 điểm); vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu niêm yết đạt trên 96% GDP… Thu ngân sách nhà nước 4 tháng tiếp tục tăng cao với 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay.

Thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ định hướng điều hành, đề ra nhiều nhiệm vụ và biện pháp trọng tâm trong thời gian tới để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% và thúc đẩy tăng trưởng GDP đạt trên 6,7%.

Phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Kiểm soát quy mô tín dụng ở mức hợp lý gắn với nâng cao chất lượng; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật tài chính - NSNN; mở rộng cơ sở thuế; thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; giảm tỉ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5%; phấn đấu thu NSNN vượt 3% dự toán. Triệt để tiết kiệm chi NSNN, hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước; phấn đấu bội chi NSNN dưới 3,7% GDP. Thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, giữ nợ công trong giới hạn quy định…

Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tận dụng tốt cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0…

Cơ cấu lại NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỉ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm chi an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và quốc phòng, an ninh theo dự toán. Tập trung vốn đầu tư công cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm…  Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Phấn đấu tỉ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; trong đó tỉ trọng vốn đầu tư tư nhân khoảng 41%. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu năm 2018 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực nông nghiệp đạt khoảng 3,05%, kim ngạch xuất khẩu vượt 40 tỷ USD; có ít nhất 54 huyện và 39,8% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phấn đấu thu hút 15-16 triệu lượt khách quốc tế và tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực dịch vụ đạt khoảng 7,4%.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” 

Tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình người có công, các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp giảm nghèo bền vững, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền…

Cùng với đó là tập trung củng cố y tế dự phòng, phát triển y tế cơ sở, y học gia đình. Khẩn trương đưa các bệnh viện trung ương, tuyến cuối vào hoạt động. Đẩy mạnh triển khai tự chủ bệnh viện, chuyển về địa phương theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. 

Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân tài, phát triển giáo dục đào tạo vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Khuyến khích hợp tác giữa cơ sở đào tạo, nghiên cứu và doanh nghiệp. Hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển văn học nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và phát triển công nghiệp văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị, di sản văn hóa dân tộc, truyền thống tốt đẹp. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá, khuyến khích sáng tạo nghệ thuật. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục để ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống.

Nguồn Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN