Thủ tướng thăm hệ thống logistics hàng đầu của Singapore

27/04/2018 - 18:03

Sáng nay (27-4-2018), tiếp tục chương trình hoạt động của chuyến thăm chính thức Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm cảng biển Singapore và Công ty Thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) của Singapore, quốc gia phát triển rất thành công hệ thống logistics.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) thuộc Tập đoàn YCH Group - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Công ty Thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) thuộc Tập đoàn YCH Group - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cảng biển của Singapore hiện nay do Cơ quan Quản lý cảng biển Sinagpore (PSA) vận hành, khai thác khoảng 60 bến cảng, với các thiết bị bốc dỡ hiện đại, mức độ tự động hóa cao nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, cho phép phục vụ được các tàu container lớn nhất thế giới.

Quá trình hoạt động của cảng được giám sát và sắp xếp bởi hệ thống máy tính hiện đại bậc nhất thế giới. Với những công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản trị tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các dịch vụ bốc dỡ cũng như thủ tục hải quan, cảng biển Singapore có sức cạnh tranh lớn ở khu vực và thu hút đông đảo các tàu nước ngoài trung chuyển qua cảng.

Năm 2017, PSA đã xử lý lượng hàng hóa qua cảng Singapore lên đến 33,3 triệu TEU. Lượng container được xử lý tại cảng Singapore ước tính chiếm khoảng 10% tổng lượng container của thế giới. 

Thăm cảng biển này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghe lãnh đạo PSA giới thiệu về tình hình hoạt động của cảng và chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý, vận hành cảng. Thủ tướng đánh giá cao và ấn tượng về những thành tựu của cảng, mong muốn PSA chia sẻ kinh nghiệm quý, hợp tác với Việt Nam để phát triển các cảng ở Việt Nam vốn cũng có rất nhiều tiềm năng phát triển.  Không chỉ là trung tâm vận tải biển của khu vực Đông Nam Á, Singapore còn được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là nước đứng đầu thế giới về năng lực vận tải đường biển. Với lợi thế nằm trong tuyến vận tải biển huyết mạch nối châu Á với châu Âu, từ hàng chục năm trước, Singapore đã có tầm nhìn phát triển hệ thống cảng trở thành trung tâm trung chuyển vận tải biển của khu vực và thế giới.  

Tiếp đó, trong sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Công ty Thành phố chuỗi cung ứng (Supply Chain City) thuộc Tập đoàn YCH Group. Supply Chain City khai trương năm 2017 với diện tích lên đến hơn 600.000 m2, được ví như Thung lũng Silicon nhỏ phục vụ hậu cần và là chuỗi cung ứng quan trọng của Singapore. Cùng với hệ thống cảng thì Thành phố về chuỗi cung ứng này giúp Singapore trở thành trung tâm hậu cần lớn của thế giới. 

Ông Roberet Yap, Giám đốc điều hành Tập đoàn YCH đã giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành về hoạt động của Tập đoàn cũng như Supply Chain City. Ông cho biết, Công ty áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong các dịch vụ logistics, trong đó nhiều khâu bốc dỡ, kiểm hàng hoàn toàn sử dụng máy móc. Cụ thể là sử dụng sự kết hợp của Hệ thống truy hồi tự động - ASRS, với kho lưu giữ đa tầng hoàn chỉnh, kết hợp với máy bay không người lái kiểm đếm và robot tiên tiến.  

Lãnh đạo Công ty cho biết, hiện Công ty đã có một công ty hoạt động ở Việt Nam, nhưng mới chỉ hoạt động kho vận. Do đó, lãnh đạo Supply Chain mong muốn mang công nghệ hiện đại sang Việt Nam để mở rộng hoạt động trong lĩnh vực logistics. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu ấn tượng của YCH, trong đó Supply Chain City đã sử dụng nhiều công nghệ mà Việt Nam chưa có. Thủ tướng cho biết, Việt Nam mới bước đầu phát triển dịch vụ logistics nên rất cần những kinh nghiệm này. Do đó sẽ tạo điều kiện để các đối tác Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Supply Chain City để phát triển các dịch vụ hiện đại ở Việt Nam, không phải chỉ ở một cảng mà là hệ thống cảng của Việt Nam.  Chính phủ sẽ tập trung xây dựng một số trung tâm hàng hóa và dịch vụ hậu cần và mong muốn có sự hợp tác của các đối tác nước ngoài. Trong đó, với việc Việt Nam và Singapore là đối tác chiến lược của nhau, Thủ tướng mong muốn YCH Group hợp tác với các đối tác của Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực này bởi nếu không phát triển được các dịch vụ logistics thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nguồn Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích