Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội

14/09/2019 - 22:25

Chiều ngày 14-9-2019, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật mà Ban soạn thảo trình đã bám sát Kết luận tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xây dựng, hoàn chỉnh dự án Luật này.

Tuy nhiên đối với quy định "giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ hằng năm đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội tại Điều 44", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần phải cân nhắc  thận trọng. Bởi trong Hiến pháp không có nội dung nào giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Đây là lĩnh vực thuộc trách nhiệm của các tổ chức Đảng. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu

Đồng tình với quan điểm này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, đây là nội dung chưa từng có từ trước đến nay. Đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ và có có đánh giá tác động một cách thận trọng khi xây dựng quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội là do dân bầu ra, do vậy đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội phải dựa trên đánh giá của người dân, bởi vậy việc xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội là rất khó. Do vậy, để nghị Ban soạn thảo cân nhắc thận trọng nội dung này.

Qua nghiên cứu dự án Luật, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cần phải thể hiện theo hướng tiến gần với các thông lệ quốc tế; các quy định phải bám sát nguyên tắc bình đằng, làm việc tập thể và quyết định theo đa số.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu

Liên quan đến nội dung về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật; theo đó, giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội tại khoản 2 Điều 23 của Luật Tổ chức Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng, cách quy định tỷ lệ tối thiểu như Luật hiện hành sẽ giúp tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách không khống bị chế, không bị giới hạn và không ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của Đảng mà tùy thuộc yêu cầu, điều kiện cụ thể của từng nhiệm kỳ, sẽ xác định mức tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý trong các đề án bầu cử đại biểu Quốc hội, có thể là 37% và cao hơn nữa. Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kế hoạch số 07-KH/TW. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nhấn mạnh để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng việc nâng cao tính chuyên trách, chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội, tức là tăng số lượng đại biểu chuyên trách lên là rất cần thiết. Theo Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải, tại các nước, tính chuyên nghiệp trong làm luật rất cao, các đại biểu Quốc hội thường là luật sư hoặc có kinh nghiệm làm luật; chất lượng làm luật cao. Đồng thời đề nghị nên quy định theo hướng làm sao có thể tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, các chuyên gia lên cao hơn nữa, cùng với đó là nâng cao chất lượng qua việc đào tạo cán bộ để bổ sung cho các Ủy ban của Quốc hội.

Tại phiên họp, cấc vấn đề liên quan đến tên gọi của các Ủy ban của Quốc hội; vị trí của một số Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; số lượng cấp phó và tỷ lệ Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội... cũng được các đại biểu quan tâm góp ý.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan và có Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ về các nội dung của dự án Luật này để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Nguồn: quochoi.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN