Xác định cơ quan đầu mối quản lý nợ công

13/09/2017 - 07:42

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN)

Chiều 12-9, tiếp tục Phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), trong đó tập trung xác định rõ cơ quan đầu mối quản lý nợ công.

Theo quy định hiện hành, quản lý nhà nước về nợ công đang được giao cho 3 cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc quy định nhiều đầu mối trong quản lý nợ công chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tổ chức bộ máy gọn nhẹ, tinh giản đầu mối.

Mặt khác, trong tình hình hiện nay, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, việc vay vốn ODA ngày càng hạn hẹp. Do phân tán đầu mối trong huy động, quản lý nợ công nên dẫn đến không thể kịp thời, linh hoạt và chưa chủ động trong việc lựa chọn các phương án vay vốn, cân đối, bố trí, sử dụng nguồn vốn vay.

Việc quy định phân tán đầu mối như hiện hành dẫn đến bất cập trong cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển trung hạn, khó có thể kiểm soát được hạn mức vay theo kế hoạch 5 năm, bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công.

Không thống nhất và khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo thông tin, số liệu về nợ công, ảnh hưởng đến quá trình điều hành, hoạch định chính sách quản lý nợ công và khó khăn trong việc xác định trách nhiệm giải trình của các cơ quan.

Việc xác định trách nhiệm giải trình của các cơ quan liên quan trong quản lý, sử dụng nợ công gặp nhiều khó khăn. Thực tế, việc giải ngân vốn vay đã thoát ly dự toán NSNN được phê duyệt, dẫn đến khi quyết toán, giải ngân thực tế vượt dự toán lớn trong thời gian qua, tăng bội chi NSNN so với số đã được Quốc hội quyết định.

Do đó, Chính phủ trình phương án thống nhất đầu mối trong quản lý nợ công, cụ thể: Chính phủ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, bao gồm cả huy động vốn vay trong nước, vay nước ngoài, gắn trách nhiệm huy động, quản lý vốn vay, quản lý rủi ro và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công với nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước; chủ trì huy động, đàm phán ký kết các khoản vay trong nước, vay nước ngoài bao gồm cả vay ODA, vay ưu đãi và vay thương mại nước ngoài; các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp trong quản lý nợ công theo quy định của pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH thống nhất Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Bộ Chính trị để thống nhất quản lý vay nợ cả trong nước và nước ngoài, khắc phục tình trạng: quản lý phân tán, phối hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay còn khó khăn, chưa gắn trách nhiệm vay nợ với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình Chính phủ phải chịu trách nhiệm quản lý nợ công và giao Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, để Quốc hội dễ dàng giám sát.

“Như vừa qua, trả nợ công không cân đối được. Cứ đến hạn trả nợ thì phải vay tiếp để đáo hạn nợ cũ, do “cắt khúc” quản lý nợ công không có đầu mối để giúp Chính phủ. Hiện tại nợ công đang sắp chạm “trần”. Do vậy, khi xác định được một đầu mối quản lý nợ công thì sẽ phải chịu trách nhiệm đi vay, sử dụng nguồn vốn và trả nợ"  – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, trong điều kiện quản lý nợ công tăng cao, thì việc quy định cơ quan đầu mối quản lý nợ công là hết sức quan trọng, khi mà nợ công đang sát “trần”. Hiện nay, quản lý nợ công đang có sự chồng chéo, nhất là các khoản vay nước ngoài còn “lỏng lẻo”, trong đó vay ODA. Việc quản lý không tốt dẫn đến các khoản vay ODA vượt dự toán.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ quản lý và chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công. Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, cũng như hồ sơ của dự án Luật, xây dựng dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị trình UBTVQH xem xét./.

Theo ĐCSVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN