Hoa trên cát

01/04/2008 - 08:14

Lễ động thổ khởi công xây dựng bia tưởng niệm. Ảnh: Thanh Long.

Đã bốn mươi mốt năm, kể từ ngày sáu nữ sinh vô tội bị vùi lấp dưới làn mưa bom quân thù (ngày 28-9-1967), những người bạn ngày xưa mới có dịp thể hiện nỗi tiếc thương với người quá cố. Ý tưởng lập bia tưởng niệm đã có từ mười năm trước. Rồi mãi đến hôm nay, một buổi sáng rực nắng 29-3, tấm bia hình quyển sách trên nền tường có đóa hoa sáu cánh được chính thức khởi công, tại ấp Phú Lợi Hạ 1 (An Định, Mỏ Cày). Bia được xây dựng trên khuôn viên (10mx15m) và tráng xi-măng con đường dẫn dài 45 mét…

Trên khoảnh đất trải đầy cát, sáu đóa hoa đa lộc hồng tươi như rực rỡ hơn trong ánh nắng ban mai. Dưới làn hương khói tỏa, những cô gái hồn nhiên nhí nhảnh tuổi mười lăm, mười sáu với chiếc áo bà ba đen ngày ấy như đang về với đồng đội. Câu chuyện về cái chết đau lòng của các chị lại thêm lần nữa được nhắc tới trong niềm tiếc thương khôn nguôi. Chị Minh Thu bùi ngùi: Tôi cũng là người trốn cùng hầm với các chị. Nhưng hầm chỉ đủ chứa 6 người nên chị Kim Hoa kéo tôi qua hầm kế bên. Rồi, tiếng nổ long trời đã vùi bốn chị trong lòng đất, còn hai chị bị thảy bật lên cao… Tất cả đã ra đi mãi mãi.

Thời gian bốn mươi mốt năm đủ dài để người nhớ, người quên ngôi trường ngày xưa đặt chính xác ở vị trí nào. Hố bom ngày xưa cũng được lấp đầy dần theo thời gian. Song niềm thương, nỗi nhớ vẫn mãi là vô tận. Anh Thái Xây chia sẻ: So với các chị, chúng tôi là người may mắn hơn nhiều. Với trách nhiệm thiêng liêng của những người bạn, người đồng chí, chúng tôi lập bia lưu niệm là thể hiện tình cảm của bạn bè thời cắp sách, là sự nhắc nhớ về những mất mát, hy sinh với những người còn tiếp bước hôm nay…

Cùng đồng đội cắm hoa trên cát, anh Thái Xây chợt đùa: “Mấy bà này toàn là trinh nữ”. Và… không gian như chững lại, se thắt theo lòng người. Các chị hy sinh lúc còn quá trẻ. Thầy giáo Trần Thanh Nhàn - Trưởng Tiểu ban giáo dục xã ngày ấy bây giờ không còn đủ sức khỏe ra tận đây chứng kiến lễ khởi công. Nhưng em trai ông - anh Trần Công Bình vẫn nhớ như in chuyện anh trai lấy vách nhà mình để đóng hòm chôn cất các chị: “Ai cũng khóc, các chị thật hiền lành…”. Còn anh Quốc Nam thì cứ mãi trầm ngâm: “Hình ảnh của các chị cứ lảng vảng mãi trong tâm trí. Khu đất này, hố bom này khi ấy hoang tàn, xơ xác; tập vở, quần áo vương vãi khắp nơi. Còn hình ảnh chị Ràng múa rất đẹp mà Đội Văn công tỉnh mấy lần kêu chị về nhưng chị chưa chịu về…”.

Bom dội, các chị đã hy sinh. Nhưng tiếng bom vừa dứt, địch ngưng trận càn là lớp học của các chiến sĩ cách mạng tiếp tục. Ngày này, qua ngày khác, họ vẫn kiên cường sống và chiến đấu dưới làn mưa bom. Chị Kim Hoa nói lớp học ngày ấy đa số ở tuổi mười lăm, mười sáu và đến từ các huyện. Tuổi nhỏ, xa nhà và tuần nào cũng ít nhất hai ba lần chạy bom

Phương Yến

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN