Thành phố Bến Tre đẩy mạnh công tác truyền thông dân số - KHHGĐ

13/01/2010 - 09:45

Những năm qua, hoạt động công tác truyền thông DS/SKSS/ KHHGĐ của thành phố Bến Tre (TPBT) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. 

Công tác truyền thông, vận động nhân dân thực hiện chính sách DS – KHHGĐ TPBT những năm gần đây luôn được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, đã tạo bước chuyển biến trong nhận thức và hành động của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hệ thống dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đã không ngừng được củng cố và phát triển. Đến nay, có 16/16 xã, phường được đầu tư xây dựng và trang bị các thiết bị y tế khá đầy đủ, 100% trạm y tế xã, phường có y sĩ sản nhi và nữ hộ sinh được đào tạo chuyên khoa về kỹ thuật đặt vòng, thuốc tiêm để phục vụ đối tượng đến khám và thực hiện CSSKSS/KHHGĐ, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số. Mạng lưới cộng tác viên DS-KHHGĐ đã phủ kín các khu dân cư. Trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm, các ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội phối hợp đã lồng ghép vào chương trình, kế hoạch của từng đơn vị để triển khai có hiệu quả nhất. Truyền thông chiều nổi cũng là một hoạt động mang lại hiệu quả cao thông qua các hệ thống truyền thanh thành phố, tờ tin của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền; Báo Đồng Khởi có chuyên trang hàng tuần, những kịch bản thông tin về DS-KKHGĐ của đội thông tin văn nghệ Trung tâm Văn hóa của thành phố… Nội dung và hình thức truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng, vận động trực tiếp các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, triển khai các mô hình như: truyền thông tại hộ, truyền thông nhóm nhỏ, tổ phụ nữ đăng ký không sinh con thứ 3 trở lên, phối hợp khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản khám phụ khoa lồng ghép cung ứng các phương tiện tránh thai trong công tác tư vấn luân phiên và trong chiến dịch tuyên truyền vận động, mô hình kiểm tra sức khỏe tư vấn tiền hôn nhân cho vị thành niên – thanh niên. Song song đó là tổ chức triển khai các đợt truyền thông tập trung nhân Ngày Dân số thế giới 11-7 và Ngày Dân số Việt Nam 26-12; phát động các đợt thi đua theo chủ đề, khen thưởng đột xuất các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn ngành nhằm đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Nhờ tác động của công tác truyền thông, trong những năm qua, người dân địa phương đã phần nào ý thức được lợi ích của việc CSSKSS/KHHGĐ, hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình đối với công tác DS- KHHGĐ. Do đó, mức sinh hàng năm đã không ngừng giảm xuống, đặc biệt số trường hợp sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số người áp dụng các biện pháp tránh thai cũng ngày càng tăng lên. Năm 2007, tỷ suất sinh của thành phố là 10,72%o thì đến năm 2008 giảm còn 10,54%o. Con thứ 3 trở lên năm 2007 chiếm tỉ lệ 1,08% thì đến năm 2008  giảm 0,78%. Năm 2009, TPBT có 20.112 phụ nữ có điều kiện sinh đẻ; trong đó có 16.240 người áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (vòng, thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc viên, bao cao su và 6 cas đình sản), chiếm tỷ lệ 80,75%, so kế hoạch năm 2009 đạt 99,03%.     
Kết quả của công tác DS-KHHGĐ những năm qua của TPBT đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập bình quân đầu người, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Huỳnh Nga

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN