Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 6-6-2024. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Buổi sáng
Nội dung 1: Quốc hội tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội dưới sự chủ trì điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Từ 8 giờ đến 8 giờ 30 phút: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Từ 8 giờ 30 phút đến 8 giờ 40 phút: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ tư, trong đó nêu rõ: Tại phiên chất vấn đã có 37 ý kiến đại biểu Quốc hội chất vấn, 8 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao; các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi cụ thể, ngắn gọn, đúng nội dung chất vấn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan quyết liệt hơn nữa thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp: Thứ nhất, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên sâu, đặc thù. Thứ hai, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển Thể dục, Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ ba, ban hành triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Thứ tư, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Thứ năm, tăng cường đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Từ 8 giờ 40 phút đến 10 giờ 35 phút: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ báo cáo, giải trình làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phiên chất vấn đã có 18 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 6 đại biểu Quốc hội tranh luận, tập trung vào những nội dung: vấn đề tự chủ của các trường đại học; bảo vệ hành lang an toàn các công trình điện gió; kiểm soát lạm phát; an toàn vệ sinh thực phẩm; cải cách thể chế; việc triển khai các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ; giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; vấn đề bảo tồn di sản địa chất; khai thác khoáng sản; các vấn đề liên quan đến tài sản công của đơn vị sự nghiệp; phát triển kinh tế số; giải pháp kích cầu du lịch; chuyển giao công nghệ; định hướng phát triển thị trường các-bon; vấn đề rác thải điện tử; phát triển công nghiệp phụ trợ...
Từ 10 giờ 35 đến 11 giờ: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nêu rõ: Sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đã có 193 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 162 đại biểu đã được chất vấn, 31 lượt đại biểu tranh luận. Qua phiên chất vấn cho thấy, các nội dung chất vấn đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đúng và trúng những vấn đề cử tri, nhân dân cả nước và các vị đại biểu Quốc hội quan tâm, tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng. Quá trình chất vấn các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp với mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục có các giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn, vì sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước. Các bộ trưởng, trưởng ngành đều thể hiện bản lĩnh, tâm huyết, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ và thực trạng của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; trả lời rõ nhiều vấn đề khó, phức tạp, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực, đề ra nhiều giải pháp khắc phục hạn chế, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo Nghị quyết xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở cho việc giám sát thực hiện theo quy định.
Nội dung 2 (từ 11 giờ): Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Buổi chiều
Nội dung 1, 3: Quốc hội họp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Tại phiên thảo luận, đã có 10 ý kiến đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm đạt mục tiêu mà các nghị quyết của Trung ương đã đề ra, bảo đảm cho Nghệ An phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về tính trọng tâm, trọng điểm, toàn diện, đột phá của các chính sách và đề nghị làm rõ hơn các chính sách để phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu thu hút các nhà đầu tư chiến lược; đánh giá thêm kết quả, hiệu quả và thời gian thực hiện các chính sách đã thí điểm ở một số địa phương để thuyết phục hơn khi cho phép Nghệ An áp dụng. Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu hoàn thiện thêm các chính sách để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đánh giá kỹ tác động đến cân đối ngân sách, mức độ ảnh hưởng đến ngân sách Trung ương để tăng tính thuyết phục, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo để thực hiện các chính sách gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tổ chức và cá nhân có liên quan; nghiên cứu các chính sách nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Nghệ An.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, chiều 6-6-2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Thứ Sáu, ngày 7-6-2024: Sáng: Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); sau đó, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức