Thu hoạch cau ở xã Hưng Phong

21/10/2012 - 17:48
Ông Dương Văn Non đang bán cau cho thương lái.

Những ngày này, về xã Hưng Phong (Giồng Trôm) chúng tôi bắt gặp cau đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Nhiều người chở cau đến bán tại vựa.

Mùa cau chín diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch. Trên nhiều ngã đường ở ấp 3, ấp 4…xã Hưng Phong, thấp thoáng bóng dáng người mua cau tại vườn của các hộ nông dân. Các anh Nguyễn Văn Giàu và Lê Văn Bình là thợ bẻ cau chuyên nghiệp đi mua cau ở khắp xã Hưng Phong. Ông Dương Văn Non ở ấp 3 cho biết, vườn của gia đình ông trồng xen cau với dừa vẫn giữ sản lượng như những năm trước, bình quân cho thu nhập  trên 5 triệu đồng/năm. So với những năm gần đây, giá bán cau không tăng. Vườn cau nhà ông Non đã 10 năm tuổi, cây đã cao lớn và cho thu hoạch nhiều lứa. Theo ông Non, việc chăm sóc cau rất đơn giản, không phải bỏ công đầu tư nhiều. Cau thường được trồng xen dừa, quanh nhà, làm hàng rào, tạo cảnh quan. Dưới gốc cau là vườn rau xăm xắp nước nên không cần phải tưới hay bón thêm phân cho cau. Giá cau từ năm 2010 đến nay không thay đổi, vẫn giữ ở mức 100.000 đồng/thiên, mỗi tháng gia đình thu hoạch cau hai lần mỗi lần từ 4,5 thiên đến 5 thiên. Anh Giàu - người hái  và mua cau chuyên nghiệp cho biết, hiện nay, cau bán giá thấp, nên phần lớn nhà vườn trồng xen dừa. Những năm trước, đặc biệt giai đoạn 2003 - 2006, cau hút hàng, đẩy giá lên cao, có thời điểm 200.000 đồng /thiên nhưng lúc đó, giá vàng thấp, chỉ 800.000 đồng/chỉ vàng. So với thời giá hiện nay, giá cau đã giảm rất nhiều. Theo anh Giàu, giá cau giảm do tác động của nhiều nguyên nhân; trong đó, cau của Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc để sản xuất kẹo, xí muội cau. Những sản phẩm chế biến từ cau không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm, làm giảm thị phần. Hiện nay, gia đình anh mua cau bán lại cho cơ sở của anh Hải, sấy khô rồi thương lái từ TP. Hồ Chí Minh về thu mua với số lượng không hạn chế nhưng giá không tăng.

Theo lời kể của anh Giàu, trong xã có rất nhiều lò sấy cau. Chúng tôi tìm đến cơ sở sơ chế cau của anh Hải tại ấp 2. Anh Hải cho biết, sau khi thu mua, cau được tách vỏ, đưa vào luộc trong 2 giờ, sau đó đem sấy liên tục trong lò suốt 6 ngày, 6 đêm mới đạt tiêu chuẩn. Anh Hải không tiết lộ giá “đầu ra” nhưng chắc chắn phải gấp nhiều lần giá mua vào, bởi phải qua nhiều công đoạn sơ chế vất vả, cộng với định mức 5 cau tươi = 1 cau khô. Cơ sở của anh giải quyết từ 5 đến 6 lao động trong ấp.

Phần lớn cau chín được thương lái thu mua để sấy và tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh hoặc xuất khẩu. Cau sử dụng cho cưới hỏi chỉ là phần nhỏ, và phải chọn loại cau tuyển, trái tròn, buồng mập mạp, giàu sức sống. Người ta tính trái lấy tiền, bình quân 400 đồng/trái. Thời buổi hiện đại, rất ít người còn dùng cau để ăn trầu nên nhu cầu này cũng giảm đáng kể…

Bài, ảnh: Đoàn Toàn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN