Thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp

05/05/2021 - 06:12

BDK - Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với chỉ tiêu “Mỗi huyện 1 cụm công nghiệp (CCN) ít nhất 70ha, riêng huyện Chợ Lách có diện tích phù hợp”, đến nay, các huyện, thành phố đang tích cực kêu gọi thu hút đầu tư hạ tầng cũng như đề xuất các giải pháp để bố trí, huy động nguồn vốn, nhằm phát triển các CCN trên địa bàn quản lý.

Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Ảnh: Phúc Hậu

Các cụm công nghiệp đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Ảnh: Phúc Hậu

Khẩn trương mời gọi nhà đầu tư

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 CCN được thành lập, với tổng diện tích 347,3ha. Trong đó, có 9 cụm đã quy hoạch chi tiết, với tổng diện tích 337,3ha. Có 4 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động. Các CCN có 20 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.101 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.700 lao động. Trong 4 CCN đang hoạt động thì có 3 CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong CCN.

CCN Long Phước, huyện Châu Thành (50ha) hiện có 3 dự án đăng ký đầu tư, với diện tích 7,225ha. CCN Phú Hưng, TP. Bến Tre (40ha) đã thực hiện kiểm kê và hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc. Đến nay, đã thực hiện chi bồi thường, hỗ trợ di dời. Công ty TNHH đầu tư KCN Thiên Phúc xin đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN, với tổng vốn đầu tư khoảng 879 tỷ đồng.      

CCN Thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú đã được điều chỉnh thành lập, nhằm đảm bảo cho việc kết nối đường bộ, đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác mời gọi đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị; đã thu hút được dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN Thị trấn Thạnh Phú, với tổng vốn đầu tư 54 tỷ đồng. Hiện huyện đang triển khai lập quy hoạch chi tiết.

Khó khăn hiện nay là phần lớn các CCN trên địa bàn huyện, thành phố mặc dù đã thành lập và có quy hoạch chi tiết nhưng chưa giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp (DN) thuê để hoạt động sản xuất. Thay vào đó, các huyện sẽ vận động các DN tự ứng vốn để đền bù giải phóng mặt bằng tạo đất sạch, tiến hành đầu tư xây dựng nhà xưởng đi vào hoạt động. Số tiền này sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hàng năm. Đối với DN năng lực tài chính yếu thì gặp khó khăn đầu tư theo hình thức này.

Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do phần lớn người dân không đồng tình với đơn giá quy định của Nhà nước, nên tiến độ giải phóng mặt bằng rất chậm. Ngoài ra, do nền địa chất tại Bến Tre yếu nên suất đầu tư hạ tầng tương đối lớn. Hạ tầng ngoài hàng rào các CCN (giao thông, điện, nước...) phần lớn chưa có hoặc yếu kém, làm giảm tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Một số CCN được giao cho các nhà đầu tư khai thác nhưng không đủ năng lực dẫn đến tiến độ triển khai dự án bị chậm trễ, ảnh hưởng đến việc mời gọi đầu tư như: CCN Phú Hưng, CCN An Hòa Tây…

Định hướng phát triển

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Bé Sáu, định hướng thời gian tới, các huyện, thành phố cần tích cực, linh động các nguồn lực để tập trung triển khai thực hiện; tiếp tục giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đấu nối hạ tầng giao thông vào đường trục chính, thi công tuyến đường chính trong CCN, đầu tư lưới điện trung thế 3 pha, nguồn nước máy độc lập... phục vụ CCN. Đồng thời, kêu gọi đầu tư và mở rộng các CCN sau khi được lấp đầy.

Chế biến sản phẩm dừa xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phong Nẫm, Giồng Trôm. Ảnh: Cẩm Trúc

Chế biến sản phẩm dừa xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Phong Nẫm, Giồng Trôm. Ảnh: Cẩm Trúc

Sở Công Thương sẽ phối hợp với các huyện, thành phố rà soát lại quy hoạch các CCN để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Ngoài các CCN đã thành lập, có thể bổ sung thêm: CCN Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc (70ha); CCN Tân Xuân, huyện Ba Tri (70ha); CCN An Điền, huyện Thạnh Phú (75ha); CCN Thị trấn - Bình Hòa (75ha) và CCN Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm (75ha).

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bé Sáu, để thực hiện cần bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 kết hợp với việc cân đối vốn hàng năm của các huyện, thành phố để đầu tư có trọng điểm các CCN đang triển khai tốt trên địa bàn: CCN Phong Nẫm, CCN Thị trấn - An Đức, CCN Tân Thành Bình... nhằm tạo sự lan tỏa và làm cơ sở đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh. Chủ động bố trí một phần vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách các huyện, thành phố lập quy hoạch chi tiết các CCN mới được thành lập, bố trí một phần kinh phí đầu tư các hạng mục chính của các CCN tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư.

Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các DN đầu tư kết cấu hạ tầng CCN. Để làm được điều này, cần phải kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi như: hoàn thiện và có các chính sách khả thi trong việc khuyến khích, thu hút các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng CCN; đẩy mạnh cải cách hành chính; đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong quản lý; phát triển dịch vụ logistics; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của DN; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, giúp các DN tìm kiếm và mở rộng thị trường; tổ chức đối thoại, tiếp xúc với các DN để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi để các DN tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng…

Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN