 |
Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica (Ảnh AFP) |
Thủ tướng Serbia Vojislav Kostunica đã tuyên bố
từ chức hôm nay (8/3) với lý do chính phủ của ông không thể tiếp tục tồn tại
trước tình trạng chia rẽ trong liên minh cầm quyền.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại
Belgrade, ông Kostunica cho biết: "Chính phủ Serbia đã không có chính sách thống
nhất về một vấn đề quan trọng liên quan đến tương lai của đất nước, với Kosovo
là một phần thuộc Serbia. Một chính phủ như vậy không còn thực hiện đầy đủ chức
năng được nữa. Tôi đã triệu tập một cuộc họp chính phủ vào ngày 10/3 để thảo
luận về việc giải tán quốc hội".
Theo ông Kostunica, một cuộc bầu cử sớm có thể được tổ chức vào ngày 11/5, thời
điểm đã được ấn định diễn ra các cuộc bầu cử cấp địa phương ở Serbia.
Vị lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc này
gián tiếp cáo buộc những đối tác liên minh thân phương Tây đã từ bỏ việc bảo vệ
chủ quyền của Serbia đối với Kosovo nhằm lấy lòng phương Tây.
Ông Kostunica kiên quyết giữ lập trường
rằng Serbia không thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) chừng nào các thành viên
của khối chưa rút lại quyết định công nhận Kosovo độc lập. Trong khi đó,
các đảng có chân trong chính phủ liên minh cho rằng việc Serbia trở thành thành
viên của EU không nên phụ thuộc vào địa vị của Kosovo.
Quyết định giải tán chính phủ đã đẩy
ông Kostunica vào thế đối đầu với Tổng thống thân phương Tây Boris Tadic. Đảng
Dân chủ của ông Tadic hiện đóng vai trò trụ cột trong liên minh lên nắm quyền
cách đây 10 tháng.
Đảng Dân chủ Serbia (DSS) của ông
Kostunica đã lên tiếng ủng hộ một nghị quyết do đảng Cấp tiến của người Serbia
(SRS) đệ trình lên quốc hội, kêu gọi EU xác nhận một cách rõ ràng sự toàn vẹn
lãnh thổ của nước này. DSS và RSR coi đây là một điều kiện để Serbia gia nhập
EU.
Tuy nhiên, đảng của ông Tadic và đảng
đối tác G17 cộng đã phản đối nghị quyết trên và bỏ phiếu chống lại việc thông
qua nó tại phiên họp nội các hồi đầu tuần. Các đảng thân phương Tây biện minh
rằng nghị quyết sẽ không giúp Serbia lấy lại được Kosovo mà chỉ làm cản trở nỗ
lực gia nhập EU của nước này, mục tiêu chính trong chính sách mà họ đang theo
đuổi.
Chiều 17/2, Kosovo đã đơn phương tuyên
bố tách khỏi Serbia. Động thái này nhận được sự hậu thuẫn của Mỹ và gần 2/3 nước
thành viên EU nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của Serbia và nước đồng minh
Nga. Belgrade và Moscow khuyến cáo việc công nhận Kosovo độc lập sẽ tạo thành tiền lệ, kéo
theo làn sóng ly khai ở nhiều nơi trên thế giới.