Thừa Đức: Ngày càng có nhiều mô hình kinh tế thoát nghèo

16/02/2011 - 08:14
Họp tổ phụ nữ.

Là xã vùng sâu của huyện Bình Đại, Thừa Đức có tỉ lệ hộ nghèo khá cao. Với nhiều mô hình giúp nhau làm kinh tế gia đình, Hội Phụ nữ xã Thừa Đức đã giúp cho nhiều hộ nghèo vượt khó vươn lên. Nhiều năm liền, Hội đã có nhiều tập thể, cá nhân được lãnh đạo các cấp tặng bằng khen, giấy khen về thành tích hoạt động.

Con đường nhựa thoáng mát đưa chúng tôi về xã Thừa Đức vào một ngày cuối tháng 1-2011. Hòa trong không khí rộn rã đón Xuân Tân Mão, nơi đây cũng đang nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ tổng kết hoạt động Hội Phụ nữ xã. Chị Bùi Thị Kim Trí - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thừa Đức chia sẻ: “Các tổ hội hoạt động đồng đều đã góp phần giữ vững các phong trào tại địa phương và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Hội”. Thừa Đức có 5 chi hội ấp, 40 tổ hội với 1.590 hội viên. Đặc thù của xã là đa số đàn ông đều đi làm nghề biển xa nhà nên có khoảng 50% phụ nữ là chủ hộ (toàn xã có hơn 1.900 hộ). Phối hợp chặt chẽ cùng các ngành, đoàn thể, ngay từ đầu năm Hội đã tổ chức tuyên truyền các chương trình công tác, giao ước thi đua của Hội cấp trên về thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các nhiệm vụ trọng tâm đến với từng hội viên. Việc tuyên truyền này được gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào xây dựng đời sống văn hóa… đã được đông đảo chị em nhiệt tình hưởng ứng. Trong năm, hội đã thực hiện 64 cuộc tuyên truyền, với hơn 1.600 lượt người dự (trong đó có 1.417/tổng số 1.590 hội viên phụ nữ dự); phát triển 6 tổ thực hiện mô hình ống heo tiết kiệm (nâng tổng số 17/40 tổ hội, với 621 người tham gia); phát triển 8 mô hình hũ gạo tiết kiệm, 3 tổ xây hồ chứa nước sạch với 54 người tham gia. Tổng trị giá các mô hình này hàng chục triệu đồng, được bình chọn công khai, luân phiên xoay vòng cho các gia đình gặp khó khăn mượn (không tính lãi). Tại ấp Thừa Trung, hộ của chị Thi Thị Hồng Nhan gặp khó khăn do chị bị bệnh, có con nhỏ và ly hôn chồng, Hội đã giúp 7 triệu đồng vốn để chị mở tiệm may; hiện chị Nhan đã vượt nghèo vươn lên. Hay trường hợp của chị Phan Thị Cà Bum (ấp Thừa Tiên), nhà nghèo, đông con, gia đình không có đất sản xuất, Hội đã vận động xây cho chị một nhà tình thương và giúp vốn cho chị thuê đất trồng hoa màu; đến nay, gia đình chị Bum đã ổn định cuộc sống. Ngoài hoạt động giúp đỡ cho các hội viên gặp khó khăn bằng các mô hình heo đất, hũ gạo tình thương, xây hồ chứa nước sạch, Hội còn vận động đóng góp bằng hiện vật và tiền mặt trị giá hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ chị em hội viên phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và ủng hộ cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt hơn 26,7 triệu đồng…

Chị Nguyễn Thị Hiệp - Chủ  tịch Hội Phụ nữ xã Thừa Đức cho biết: “Hội đã chú trọng yếu tố công khai, minh bạch làm hàng đầu. Do vậy, chị em hội viên ủng hộ hết mình và giữ vững tốt phong trào”. Trong năm 2010, Hội đã xây dựng được mô hình Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, với 16 đôi vợ chồng tham gia. Tại buổi sinh hoạt hàng tháng, Hội đã lồng ghép chương trình giao lưu văn nghệ với các nội dung trao đổi kinh nghiệm về giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy - chăm sóc con cái… đã thu hút được nhiều chị em tham gia. Cùng với mô hình này, Hội cũng đang phát triển mô hình “Phụ nữ đền ơn, đáp nghĩa” và tại chi hội phụ nữ ấp Thừa Trung của xã đã thành lập được Câu lạc bộ Phụ nữ với môi trường, hoạt động khá hiệu quả và đang được nhân rộng đến các ấp Thừa Long, Thừa Lợi, Thừa Tiên.

Với nhiều hoạt động giúp nhau làm kinh tế gia đình, thông qua hình thức công khai, dân chủ, Hội Phụ nữ Thừa Đức đã giúp cho nhiều hội viên thoát nghèo vươn lên (xã còn 375 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo do phụ nữ đứng tên chủ hộ là 180 hộ); góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương hoàn thành nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội và nhất là trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Liên tục trong 4 năm (2007 - 2010), Hội Phụ nữ xã Thừa Đức đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện tặng cho các tập thể, cá nhân về thành tích xuất sắc trong công tác. “Củng cố đội ngũ cán bộ hội từ xã đến chi hội, tổ hội vững mạnh và phối hợp chặt chẽ cùng các ban ngành, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào là yếu tố cơ bản, quan trọng”, chị Nguyễn Thị Hiệp chân tình bộc bạch với chúng tôi về kinh nghiệm hoạt động.

 

Bài, ảnh: H. ĐỨC

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN