Chiều 21/12, Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ tổ chức phiên họp đánh giá tình hình triển khai công tác tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp này.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ, với tinh thần khẩn, nghiêm túc, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổng kết tại các địa phương.
Cho đến nay, Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến về tất cả các đề cương chuyên đề. Cụ thể là 8 đề cương chuyên đề của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 6 đề cương chuyên đề của các địa phương được phân công. Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 của Chính phủ cũng đã được Tổ giúp việc cho ý kiến.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền cũng được triển khai rộng khắp, nhằm cung cấp thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng trong toàn bộ hệ thống chính trị trong các cơ quan nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác tổng kết cơ bản theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Các đề cương chuyên đề được chuẩn bị khá công phu, bám sát yêu cầu của Ban Chỉ đạo, đồng thời nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia, nhà quản lý.
Đến ngày 21/12, đã có 15 địa phương, 8 cơ quan bộ ngành gửi báo cáo về Bộ Tư pháp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Tuy nhiên, theo Thường trực Ban Chỉ đạo, do thời gian tổng kết ngắn, vào thời điểm cuối năm nên việc huy động cán bộ vào công tác tổng kết còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương thiếu cán bộ có trình độ, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc chưa chủ động bố trí kinh phí công tác này cũng ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch được giao.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực để thực hiện việc tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Các vấn đề được nêu ra trong báo cáo tổng kết phải được nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng để chất lượng báo cáo bảo đảm chất lượng.
Cơ quan thường trực là Bộ Tư pháp cần chủ động thực hiện Báo cáo tổng kết của Chính phủ, không chờ đợi đầy đủ các báo cáo của bộ ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hội thảo khoa học tại 3 miền để lấy được đầy đủ các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, quản lý. Sau khi hoàn thiện, cần báo cáo xin ý kiến tại phiên họp của Chính phủ.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo việc hoàn thiện các báo cáo cần cô đọng, ngắn gọn, bảo đảm chất lượng trên tinh thần dân chủ, cầu thị, đáp ứng được yêu cầu của việc tổng kết và kỳ vọng của nhân dân.