Thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng toàn diện

17/09/2018 - 07:43

Thực hiện Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trong 10 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng nông thôn mới, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh; khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Qua đó, đã từng bước thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng toàn diện.

Con đường nông thôn mới xã Bình Thành do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Con đường nông thôn mới xã Bình Thành do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Tổ chức lại sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị

Tổng vốn đầu tư huy động toàn xã hội cho lĩnh vực nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2008 - 2017 là 22.600/113.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (kể cả vốn trái phiếu Chính phủ) chiếm 23%; vốn vay ODA chiếm gần 70%...

Ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, tỉnh đã xây dựng, điều chỉnh và triển khai thực hiện 13 quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Qua thực hiện quy hoạch, sản xuất nông - lâm - thủy sản, đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung về lúa, dừa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Diện tích lúa, mía giảm dần để chuyển sang trồng dừa và các loại khác có hiệu quả hơn. Diện tích cây ăn trái giảm do phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao (nhãn, chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh). Sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch.

Điển hình một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa; trồng xen bưởi da xanh trong vườn dừa; thâm canh vườn dừa theo hướng hữu cơ; sản xuất lúa sạch huyện Thạnh Phú; nuôi luân canh tôm - lúa ở những vùng nhiễm mặn thấp; tôm càng xanh toàn đực trong vườn dừa; nuôi thâm canh tôm biển 2 giai đoạn... Mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm dừa bước đầu được hình thành, phát triển, góp phần ổn định sản xuất nông nghiệp và xóa nghèo cho người dân vùng nông thôn...

Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được xem là điểm nhấn của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 26. Qua hơn 2 năm triển khai, toàn tỉnh đã hình thành được 67 tổ hợp tác, 24 hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị và có 4 chuỗi giá trị (dừa, bưởi da xanh, nhãn, chôm chôm). Thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,14 triệu đồng năm 2008 lên 31,15 triệu đồng năm 2017 (vượt mục tiêu hướng đến năm 2020).

Ông Võ Văn Hiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, thời gian qua, huyện đã sắp xếp lại hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo từng tiểu vùng, qua đó có kế hoạch tập trung đầ̀u tư cụ thể. Đến nay, huyện đã hình thành chuỗi đố́i với 3 cây (dừa, lúa, xoài), 3 con (gia cầm, bò và tôm). Điển hình, về chuỗi dừa, với tổng diện tích gần 7.000ha, tập trung các xã thuộc vùng ngọt hóa gồm Đại Điền, Tân Phong, Phú Khánh, Thới Thạnh, Hòa Lợi, Quới Điền... Huyện đã tập trung liên kết đầu vào với các công ty đầu vào và đầu ra. Bên cạnh đó, huyện phát triển các loại hình dịch vụ thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn.

Cũng theo ông Bùi Văn Lâm, chương trình cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh có nhiều bước tiến, với hơn 95% khâu làm đất, hơn 80% tưới tiêu chủ động, gần 100% sử dụng máy suốt, máy ngốn. Các loại cây trồng chủ lực khác đã áp dụng cơ giới hóa hơn 80% các khâu dọn cỏ, tưới tiêu, phun thuốc trừ sâu bệnh.

Tôm thẻ chân trắng - một trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh đang phát triển mạnh tại các huyện biển.

Tôm thẻ chân trắng - một trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh đang phát triển mạnh tại các huyện biển.

Đầu tư phát triển theo hướng toàn diện

Hệ thống hạ tầng điện, cung cấp nước sạch, bưu chính, viễn thông ở nông thôn không ngừng được quan tâm đầu tư, cải tạo và nâng cao chất lượng phục vụ. Các công trình hạ tầng thiết yếu đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nông thôn trong việc đi lại, học tập, giao lưu hàng hóa, ổn định cuộc sống, góp phần đáng kể vào việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo (đến nay còn 7,89%).

Hoạt động phổ cập giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, mạng lưới giáo dục nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Toàn tỉnh hiện có 177 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 33,2%. Bến Tre đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Cơ sở vật chất khám, chữa bệnh và mạng lưới y tế nông thôn được chú trọng thực hiện bằng nhiều nguồn vốn, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên.

Kết quả của việc đầ̀u tư toàn diện đã tạo nền tảng thuận lợi cho xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; nhựa hóa và bê-tông hóa 4.370km, cầu khỉ được thay thế dần bằng các cầu bê-tông kiên cố. Đến nay, toàn tỉnh đạt 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 48% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn liền với duy trì hệ sinh thái tự nhiên và trải nghiệm làng nghề từng bước phát triển. Hình ảnh “Cây dừa - Du lịch xứ Dừa” là biểu tượng, điểm nhấn của du lịch Bến Tre. Hiện nay, toàn tỉnh có 21 điểm homestay với trên 165 phòng nghỉ trọ và hơn 57 làng nghề đã được đưa vào khai thác, phục vụ du lịch. Số lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tăng hàng năm, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như xoài tứ quý, nghêu, lúa sạch và hàng trăm sản phẩm làm từ dừa được “xuất khẩu tại chỗ”, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân.

So với các mục tiêu chương trình hành động đến năm 2020, kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 đã góp phần quan trọng cho tỉnh thực hiện đạt và vượt 3/7 chỉ tiêu (thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và tỷ lệ hộ dân sử dụng điện).

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN