|
Xã Lộc Thuận tổ chức hội thảo chuyên đề phòng, chống bạo lực gia đình. |
Được sự tài trợ của UNFPA (giai đoạn 2006 - 2010), huyện Bình Đại đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình (PC BLGĐ) từ huyện đến 6 xã thực hiện Dự án, gồm: Long Định, Châu Hưng, Phú Vang, Lộc Thuận, Bình Thới và Bình Thắng. Từ đó, phong trào PC BLGĐ được khởi động và đạt được nhiều kết quả.
Ngay từ khi mới triển khai, khởi động chương trình PC BLGĐ, Ban Chỉ đạo huyện đã mở nhiều lớp tập huấn cho các thành viên, cộng tác viên nhằm trang bị kiến thức về các dạng bạo lực gia đình để kịp thời tư vấn, giúp đỡ cho các đối tượng. Ban Chỉ đạo huyện còn xây dựng các hoạt động tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB), tổ nhân dân tự quản (NDTQ). Cụ thể trong 4 năm qua, Dự án đã hỗ trợ các xã nằm trong Dự án tổ chức được 1.648 cuộc tuyên truyền, thông qua sinh hoạt CLB, tổ liên gia, tổ NDTQ với 32.640 lượt người dự. Tại 14 xã, thị trấn nằm ngoài Dự án, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể xã, ấp, chủ nhiệm CLB với trên 1.161 lượt đại biểu tham dự. Ngoài ra, công tác truyền thông PC BLGĐ còn lồng ghép bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như: tổ chức thi tiểu phẩm tuyên truyền về PC BLGĐ lưu diễn luân phiên tại các địa phương, cơ sở; tổ chức tọa đàm; xây dựng chuyên mục phát trên các đài truyền thanh, mít-tinh - diễu hành. Từ đó, phong trào PC BLGĐ thực sự được lan rộng và tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là các đối tượng đang bị BLGĐ đã mạnh dạn tìm đến các cơ quan chính quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngăn chặn BLGĐ.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn tích cực xây dựng chương trình PC BLGĐ bằng các hình thức như: Thông qua các buổi sinh hoạt CLB, tổ nhóm phụ nữ để tuyên truyền về PC BLGĐ. Đặc biệt, mô hình nhóm liên gia PC BLGĐ tại 4 xã: Long Định, Lộc Thuận, Bình Thới, Bình Thắng hoạt động tốt, mang lại hiệu quả trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội Phụ nữ các cấp còn tổ chức tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho chị em phụ nữ; lồng ghép chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, các kiến thức về giới, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bước đầu, chị em phụ nữ còn e dè, khép kín trong khuôn khổ gia đình, không chia sẻ với thành viên trong nhóm. Nhưng qua thời gian sinh hoạt, chị em đã gần gũi, tin tưởng tổ chức. Một số hộ gia đình bị bạo lực đã chia sẻ và yêu cầu giải quyết. Từ đó, đa số vụ bạo lực gia đình được nạn nhân tố giác và được chính quyền địa phương đưa ra xử lý kịp thời.
Thông qua Dự án, các vụ BLGĐ được giải quyết ngày càng nhiều, các đối tượng được bảo vệ ngày càng tăng, đa số là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ vẫn còn diễn biến khá phức tạp, một số đối tượng bị bạo hành vẫn chưa khai báo với các cấp chính quyền để được bảo vệ. Đa số đối tượng bị bạo lực là phụ nữ, một số ít là người già và trẻ em, hình thức phổ biến là bạo lực tinh thần và thể xác. Trong giai đoạn 2011- 2015, huyện Bình Đại đã đề ra chiến lược thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới nhằm kiềm chế và đi đến xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện đẩy mạnh thực hiện chương trình bình đẳng giới; thông qua việc lồng ghép vào dự thảo văn bản quy định pháp luật; đưa nội dung bình đẳng giới vào các kế hoạch hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nữ: ưu tiên phát triển doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng và các ngành dịch vụ.
Thực hiện những chính sách đặc thù nhằm khuyến khích trẻ em gái, phụ nữ vùng kinh tế khó khăn tham gia học tập nâng cao trình độ. Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Mở rộng mạng lưới tư vấn sức khỏe sinh sản cho nam giới, tăng cường sự tham gia của nam giới vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Nâng cao nhận thức về giới cho người sản xuất các sản phẩm văn hóa, thông tin. Xóa bỏ các thông điệp và hình ảnh mang tính định kiến giới trong các sản phẩm văn hóa, thông tin.
Nhìn chung, BLGĐ là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội, phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Hiện nay, để xóa bỏ tình trạng BLGĐ cần phải có sự tác động mạnh hơn của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự hợp tác của các đối tượng, nạn nhân BLGĐ.