|
Nuôi heo ở xã Tân Bình (Mỏ Cày Bắc). Ảnh: H.Vũ |
Mỏ Cày Nam là địa phương có tổng đàn heo lớn nhất tỉnh, với gần 200.000 con, trong đó đàn heo nái là 48.700 con, heo thịt là 151.300 con. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nền kinh tế của huyện.
Do đó, để ngăn chặn dịch bệnh này, ngành chức năng của huyện Mỏ Cày Nam đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ như: Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ triệu chứng và tác hại của bệnh tai xanh, tăng cường công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ. Thực hiện kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển heo trên địa bàn huyện nhằm phát hiện kịp thời và xử lý những trường hợp vi phạm vận chuyển, tiêu thụ heo và các sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ của ngành chức năng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp cán bộ thú y các địa phương tổ chức tiêu độc, khử trùng ở các vùng có nguy cơ dịch bệnh xảy ra, khu vực có số hộ chăn nuôi nhiều, các lò mổ và bãi trung chuyển gia súc. Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các loại thức ăn đủ chất dinh dưỡng và sử dụng nước sạch, giúp heo nâng sức đề kháng với vi-rút tai xanh và các bệnh khác. Khi phát hiện dịch bệnh xảy ra trên đàn heo, người chăn nuôi phải khai báo ngay với cán bộ, cơ quan thú y để được hướng dẫn phòng trị và xử lý kịp thời. Ngoài ra, đối với những vùng trước đây từng bị nhiễm dịch heo tai xanh và vùng có nguy cơ bị nhiễm cao, ngành thú y đã chỉ đạo tăng cường giám sát, theo dõi tình hình chăn nuôi, tình hình diễn biến của dịch bệnh để có những biện pháp xử lý và phòng ngừa tốt. Vận động các chủ hộ chăn nuôi heo khai báo số lượng heo nuôi và cam kết thực hiện phương châm “5 không”: không giấu bệnh, không mua heo bệnh và sảm phẩm heo bệnh, không bán chạy heo bệnh, không vận chuyển heo bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác heo bệnh ra môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mỏ Cày Nam cho biết: “Trước tình hình bệnh heo tai xanh bùng phát trên phạm vi cả nước, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được đặt lên hàng đầu. Ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về công tác vệ sinh thú y, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện đúng hướng dẫn để nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, chú trọng vệ sinh chuồng trại và thường xuyên tiêu độc, sát trùng quanh khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trên heo”.
Ngoài những hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, vẫn còn nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu. Đây là nguy cơ có thể làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Vì vậy, vấn đề lâu dài là phải thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân chuyển đổi nghề chăn nuôi heo hướng chất lượng và tiên tiến, tăng cường công tác thú y và sự hiểu biết về phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Trước mắt, bà con chăn nuôi cần thay đổi tập quán chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.