Mùa hoa
Tết
Ngày 18 tháng Chạp, chiếc ghe 25 tấn của anh
Trần Văn Út cập vào bến cạnh Nhà thờ Cái Mơn. Sau khi dắt chiếc xe máy lên bờ
cho vợ và con gái chạy đi gom hàng, anh quay lại ghe, bắc nồi cơm rồi vội lên lảy
lá cho gần 100 chậu kiểng mai vàng mini đã “tập kết” dưới dạ cầu Cái Mơn trước
đó. Trong khi cùng với 2 thanh niên (dân bốc vác theo ghe) lảy lá mai, anh Út
cho biết anh quê ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; 45 tuổi nhưng
cái nghiệp thương hồ buôn hoa kiểng, cây giống Chợ Lách anh theo đến nay đã 20
năm. Đoàn ghe của anh Út có 5 chiếc, cũng là tài sản của 5 gia đình trong dòng
họ, năm nay chủ yếu đi TP. Cà Mau. Thời gian vừa gom hàng, vừa vượt hơn 200km
đường sông đi về mất khoảng 8 ngày, mỗi tháng trung bình đi 2 chuyến. Nhưng kết
thúc chuyến này nữa là về ăn Tết và là chuyến thứ ba.
“Đợt hoa kiểng Tết cuối năm là căng nhất so với
các chuyến chở kiểng và cây giống, trái cây vào những tháng khác. Bởi, chúng chủ
yếu như “mì ăn liền” chỉ để phục vụ đúng dịp Tết, trong khi thời tiết trên sông
luôn thay đổi thất thường và giá của chúng cũng vậy nên dân buôn đường sông như
chúng tôi chủ yếu chỉ chọn những loại cây nở chậm và kiểng, còn các loại hoa nở
sặc sỡ trong thời gian ngắn và chóng tàn thì hạn chế. Đây cũng là đợt thích nhất
vì mỗi chuyến lãi đến khoảng 30 triệu đồng, trong khi vốn bỏ ra chỉ khoảng 60
triệu đồng” - anh Út cho biết.
Những chiếc xe lôi kéo nhanh chóng tập kết đủ
hàng theo giao dịch qua điện thoại ngay khi nhận đơn đặt hàng của các chủ vựa
phía TP. Cà Mau. Gia đình anh cùng 2 “cu đơ” tranh thủ chất lên ghe sao cho kịp
con nước lớn, đêm nay sẽ nhổ neo.
Đoàn ghe của các anh đã thuê “đứt” với giá 20
triệu đồng/năm tại bến đỗ cố định gần cầu Gành Hào, TP. Cà Mau. Tuy vậy, các
anh chỉ “độc quyền” vào các tháng khác trong năm, còn mùa hoa Tết thì phải chấp
nhận cho các ghe khác cập bến bán tự do.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Chợ Lách từ
lâu đã tồn tại nhiều đoàn ghe như đoàn ghe anh Út, hiện có khoảng 100 chiếc. Họ
âm thầm xuôi ngược khắp nơi tìm bến đỗ cho mình và kết nối hoa kiểng Bến Tre tới
khắp các tỉnh miền Nam và cả khu vực miền Trung.
Các chủ vựa hoa kiểng ở đây cho biết, vài năm
qua, sức tiêu thụ từ khách hàng đường thủy giảm nhẹ, hiện chiếm khoảng 25% hàng
hóa của họ. “Khoảng 7 năm về trước, chủ yếu bán hàng đi bằng đường thủy. Tuy
khách hàng đi đường bộ dần thay thế nhưng họ vẫn đóng vai trò khá quan trọng đối
với hàng hóa chúng tôi” - ông Nguyễn Khắc Tân, chủ đại lý hoa kiểng Tân Hài, xã
Vĩnh Thành nói.
Sống
nghiệp thương hồ
Nhớ lại cơ duyên vào nghề này, anh Út kể hồi
mới lấy vợ nghèo lắm! Vì anh em đông nên gia đình cho vợ chồng anh ra riêng sớm.
Tài sản của 2 vợ chồng là sự thủy chung, cùng với chiếc ghe lưới cá làm kế mưu
sinh xuôi ngược tháng ngày trên dòng Cửu Long. Nhưng cá trên sông ngày một khan
hiếm dần, trong khi phương tiện của anh không nâng cấp nổi vì thiếu tiền. “Vợ
chồng đã không ít lần bàn bạc bán ghe lên thành phố làm công nhân. Nhưng ghe mục
bán chẳng ai mua, lần lựa mãi chưa tìm ra lối thoát... tôi mới bắt chước người
ta qua Chợ Lách mua chịu cây giống, hoa kiểng đi chỗ khác bán. Thật không ngờ
nghề này kiếm ăn được. Rồi vợ chồng tằn tiện, tích lũy tiền, nâng cấp ghe lên từ
từ, rồi cũng về quê mua đất, cất nhà, phòng khi sức cùng lực kiệt cũng có nơi
mà nương tựa” - anh Út tâm sự.
Ghe anh Út nay chỉ còn 4 thành viên trong gia
đình, bởi 3 tháng trước anh đã gả cô con gái đầu lòng cho 1 chàng trai ở xã
Vĩnh Thành. Anh Út cho hay: “Con bé Quyên 14 tuổi, học xong lớp 8, nó bắt đầu
“trổ mã”, thấy không yên tâm để nó một mình ở nhà nên dắt theo ghe luôn. Tội nhất
là thằng út Hào, đau bệnh miết, đã 7 tuổi rồi mà chưa cho đi học được, định qua
Tết cho nó vào lớp 1 để lớn lên còn biết chữ nghĩa…”.
Do ghe thường chở đầy ắp hàng hóa, trong khi
mui ghe phải chứa “hằm bà lằn” các thứ dụng cụ, đồ dùng... nên mọi sinh hoạt
riêng tư đều không thuận tiện. Tuy vậy, nhưng hầu hết mọi người đều cho biết
mình không có kế hoạch lên bờ khi còn có thể lênh đênh. Bởi đơn giản rằng, cuộc
sống lênh đênh đã trở thành thói quen của họ. Ngoài ra, còn về chuyện tiền bạc,
họ luôn nợ gối đầu ít nhất 1 chuyến từ các vựa bên Chợ Lách, trong khi đối tác
phía bên kia cũng luôn nợ họ gấp rưỡi tiền như vậy và đã tạo thành vòng lẩn quẩn
khó bứt ra được.
Trên mỗi chuyến ghe thường có 2 “cu đơ” làm bốc
xếp đi theo, những người này không được trả lương, chỉ được trả theo sản phẩm
khi họ bốc vác hàng hóa lên xuống ghe. Và cuộc sống lãng du của họ cũng khá mòn
mỏi theo tháng ngày.
Con nước lớn ban chiều âm thầm nhấc bổng ghe
lên và điều đó khiến cho công việc của họ càng khẩn trương hơn nữa… Mùa Xuân đến
rồi đó! Hy vọng đoàn ghe của anh Út sẽ kịp về quê nhà trước ngày 25 tháng Chạp
để các anh được sum vầy, cùng họ hàng tảo mộ tổ tiên, cái điều mà đã 3 năm qua
các anh chưa làm được…