Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: Diffen
Như vậy, đến thời điểm này, việc đóng cửa một phần chính phủ đã bước sang ngày thứ 34, khoảng thời gian dài nhất trong lịch sử 20 lần Chính phủ Mỹ phải đóng cửa, kể từ lần đầu tiên xảy ra năm 1976.
Dự luật nhằm cấp kinh phí đến ngày 8/2 tới cho một phần tư cơ quan Chính phủ liên bang khôi phục hoạt động trở lại, nhận được 52 phiếu thuận và 44 phiếu chống. Có 6 Thượng nghị sỹ Cộng hòa bỏ phiếu thuận cùng với các Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đối với dự luật được xem là “giải pháp tình thế” này.
Chỉ trước đó không lâu, với tỷ lệ 50 phiếu thuận và 47 phiếu chống, một dự luật khác cũng bị bác bỏ. Dự luật này bao gồm đề xuất được Nhà Trắng hậu thuẫn, theo đó mở cửa trở lại Chính phủ để đổi lấy số tiền 5,7 tỷ USD xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico như đòi hỏi của Tổng thống Donald Trump. Dự luật sẽ cho phép các đối tượng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ khi còn nhỏ và không có giấy tờ, thường gọi là Chương trình DACA và một số người nước ngoài được hưỡng Quy chế bảo vệ tạm thời (TPS), nộp hồ sơ xin gia hạn thêm ba năm một số biện pháp bảo vệ pháp lý. Tuy nhiên, dự luật này lại bao gồm các hạn chế mới đối với những người xin tỵ nạn.
Cả hai dự luật đều không đạt tỷ lệ quá bán tương đối (60/100) để được Thượng viện thông qua. Với việc các cuộc bỏ phiếu thất bại liên tiếp tại Thượng viện thời gian qua, tình trạng đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ sẽ kéo dài sang tuần sau. Hơn 800.000 công chức Liên bang đã phải nghỉ việc tạm thời hoặc đi làm mà không được trả lương và họ cũng sẽ không nhận được tiền lương lần thứ hai trong tháng mà theo thông lệ sẽ được cấp vào ngày 25-1-2019.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận liên tiếp cho thấy hiện phần lớn người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump về việc chính phủ phải đóng cửa một phần. Theo kết quả điều tra dư luận do hãng Fox News tiến hành và công ngày 24-1-2019, có hơn 51% số người được hỏi ý kiến đổ lỗi cho ông Donald Trump, so với tỷ lệ đổ lỗi cho các nghị sỹ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Nguồn: VOV