Thuyết minh di tích lịch sử - chuyện nghề, chuyện nghiệp

31/05/2010 - 07:49
Thuyết minh viên Trần Văn Nghĩa (bìa trái) đang thuyết minh cho đoàn cán bộ Thành ủy TP.HCM.

Nhìn chăm chú, xét nét từng câu chữ, ngữ điệu, phong cách của người thuyết minh, nếu cảm thấy hài lòng, quan khách gật đầu, còn không thì... buông lời chê trách. Thế nên người ta ví nghề thuyết minh giống như “làm dâu trăm họ”.

Bến Tre có rất nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, như là di tích Nhà truyền thống Đồng Khởi (Định Thủy, Mỏ Cày Nam), mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu (Ba Tri), căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Mỏ Cày Bắc), đầu cầu tiếp nhận chi viện Bắc - Nam (Thạnh Phú)... Đặt chân đến những nơi này mà không có người thuyết minh đi cùng thì khó có thể cảm nhận hết sự kiện, nhân vật đã từng diễn ra. Do nhiều nguyên nhân khách quan, nên dù có nhiều di tích mang tầm quốc gia nhưng tỉnh ta chỉ mới có 3 nơi có người thuyết minh trực: Nhà truyền thống Đồng Khởi (Định Thủy, Mỏ Cày Nam), mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định (Giồng Trôm). Số còn lại mặc dù có người trực, nhưng chỉ để trông coi, quét dọn chứ không thuyết minh. 

Để hiểu rõ hơn về nhân vật, sự kiện lịch sử khi đến các khu di tích thì du khách phải cần đến người thuyết minh. Qua thuyết minh, khách tham quan có thể biết được thân thế, sự nghiệp, những đức tính cao đẹp của nhân vật mình muốn tìm hiểu. Vào nghề thuyết minh khu di tích mang tầm quốc gia – mộ Nguyễn Đình Chiểu khi trong tay không có tấm bằng chuyên ngành du lịch, anh tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Bảo Thạnh (Ba Tri) Trần Văn Nghĩa không tránh khỏi lo lắng. 20 năm trải nghiệm với nghề, anh đúc kết một câu: Thuyết minh - nghề rất dễ nhưng cũng rất khó, dễ làm nhưng khó đi vào lòng người, khó gây ấn tượng trong lòng du khách. Nếu thuyết minh cho đúng vai trò là người thuyết minh mà không thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm sâu sắc đối với nhân vật thì không bao giờ đứng vững trong nghề. Chính sự kính trọng, ngưỡng mộ nhân vật là chất xúc tác làm cho từng lời nói, cử chỉ, phong thái của người thuyết minh đầy thuyết phục và cảm xúc.

Lấy “cần cù bù thông minh”, “chuyên cần bù chuyên môn”, đó là quan điểm của các thuyết minh trẻ hiện nay. Ví như bạn Uông Thị Cẩm Vân, vào nghề được 2 năm với tấm bằng cử nhân Sư phạm (ĐH Đồng Tháp), với tinh thần không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, nhất là về lịch sử, Vân đã soạn cho mình bài thuyết minh khá mượt mà, thoát khỏi đề cương khô khan, bó hẹp theo đúng ba-rem: thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Cô cần mẫn chắt lọc chi tiết hay trong những câu chuyện kể về nữ tướng để đưa vào minh họa bài thuyết minh của mình. Có ai nghĩ, một cô gái sôi nổi, trẻ trung như Cẩm Vân lại có lúc đắm chìm theo tình yêu ngọt ngào của cô Ba thời còn con gái và ngậm ngùi với những gian truân vất vả mà bà trải qua khi hàng tháng trời lênh đênh trên biển cả để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. Chỉ cần thêm vào một vài mẩu chuyện nhỏ thôi, Cẩm Vân đã làm nhiều đoàn khách xúc động.

Anh thuyết minh Nghĩa cũng là một trong những người dám vượt qua giới hạn của “đề cương”, đưa thêm những giai thoại (có in thành sách hẳn hoi) vào để tăng thêm sức hấp dẫn cho bài thuyết minh. Dù không ít lần phải “trân” mình gánh chịu “hậu quả” thuyết minh không đúng đề cương nhưng anh không ngại. Với anh, cụ Đồ là một tấm gương sáng, có nhiều phẩm chất đạo đức tốt đẹp mà thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cần học tập. Truyền đạt những đức tính của cụ bằng nhiều giai thoại, câu chuyện kể, chẳng hạn như con gái của cụ Đồ Chiểu, Sương Nguyệt Anh - nữ ký giả đầu tiên của báo chí Việt Nam là việc anh thấy nên làm, vì qua đó sẽ tôn vinh thêm đức tính cao quý của cụ Đồ, đã  có công nuôi dạy con cái thành tài.

Nghề nào cũng có niềm vui nỗi buồn, thuyết minh cũng vậy. Niềm vui lớn nhất của người thuyết minh chính là được khách chăm chú lắng nghe những gì mình nói. Đó là động lực to lớn để họ tiếp tục trải lòng về nhân vật mà không hề mệt mỏi. Bạn Phạm Thị Trúc Linh, thuyết minh ở đền thờ cụ Đồ kể: “Có lần tiếp đoàn nữ cán bộ công an (Bộ Công an), kể đến đoạn cụ Đồ bị mù mắt, các cô ai cũng rơi nước mắt, tự nhiên em thấy lòng mình xúc động. Bên cạnh đó, cũng có nỗi buồn là, vẫn còn một  số khách đến đây với một thái độ thờ ơ với lịch sử, thậm chí thể hiện tác phong thiếu văn hóa.

Bến Tre có tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử rất lớn. Để thu hút du khách, thuyết minh viên tự hoàn thiện mình, từ trình độ chuyên môn nghiệp vụ đến cung cách phục vụ. Ngoài tâm huyết, kiến thức lịch sử là nền tảng cơ bản để thuyết minh viên phát triển nghề nghiệp sau này. Để có vốn kiến thức ấy, không phải việc làm ngày một ngày hai mà là cả một quá trình dài học hỏi. Hiện nay, khách tham quan các khu di tích lịch sử rất nhiều, đa dạng về đối tượng nhưng đông nhất vẫn là các vị quan chức Nhà nước cấp cao, khách du lịch trong và ngoài tỉnh, các nhà nghiên cứu khoa học… vì vậy, chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ trong thuyết minh cũng đủ làm phật lòng khách. Anh Nghĩa kể: “Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, tôi cũng như những đồng nghiệp khác, bị khách chê, nhiều lúc thấy nản, muốn thôi “không làm dâu thiên hạ” nữa. Song, tôi luôn đặt câu hỏi vì sao khách chê: có phải do kiến thức của mình  còn nông cạn, rồi cố gắng trau dồi thêm. Mọi người đừng thấy làm lạ khi tôi hay xin vài lời góp ý trước khi nói lời chào tạm biệt với đoàn khách”.

Với Cẩm Vân cũng vậy, hai năm trong nghề, Vân thấy mình trưởng thành nhiều. Cô không còn buồn khi bị khách chê hoặc phê bình. Trái lại, Vân rất cám ơn họ, nhờ họ, Vân mới thấy cái sai để sửa. Thậm chí nhờ họ, Vân thu thập được nhiều thông tin mới bổ ích. Vân chia sẻ: “Khách đã cung cấp cho em tên tuổi, quê quán của những người chụp ảnh chung với cô Ba Định, vì chính họ hoặc người thân của họ có mặt trong bức ảnh”.

Có thể nói, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của du khách nên mặc dù đã nỗ lực rất nhiều, thế nhưng đội ngũ thuyết minh di tích lịch sử hiện nay vẫn không tránh khỏi thiếu sót. Song, với niềm yêu mến, ngưỡng mộ những nhân vật lịch sử, mỗi lần thuyết minh là một lần thuyết minh viên góp nhặt thêm niềm vui cùng với nhân vật của mình.

Bài, ảnh: H.THI

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN