Tiếp tục đổi mới trong năm học mới

30/07/2010 - 15:07

Với những thành quả có tính đột phá trong năm học vừa qua, ngành GDĐT hướng tới năm học mới với nhiệm vụ đáp ứng tốt hơn việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổng kết năm học 2009-2010 và xác định phương hướng, nhiệm vụ năm học 2010-2011. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và Giám đốc của 63 Sở GDĐT cả nước về dự.

 

 

Năm học có nhiều đột phá

Năm học 2009-2010 đã chứng kiến những chuyển biến có tính chất nền tảng của giáo dục Việt Nam.

Trước hết, đó là hàng loạt các văn bản quan trọng về quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành về giáo dục đào tạo đã đi vào cuộc sống: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định của Chính phủ về miễn, giảm học phí từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015; Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi; Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2011-2020… Đây chính là những văn bản có tính chất bản lề nhằm hướng tới đổi mới thực sự về quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trong 10 năm tới.

Trật tự, kỷ cương thi cử đã có chuyển biến căn bản. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010 được thực hiện nghiêm túc, an toàn, khách quan, chính xác và công bằng ở tất cả các khâu. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 92,57%, tăng 8,97% so với năm 2009; tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục thường xuyên là 66,71%, cao hơn năm 2009 là 27,11%. Kết quả này phản ánh sự chuyển biến tích cực về chất lượng dạy và học; phù hợp với sự phấn đấu nỗ lực của học sinh, giáo viên trong thời gian qua.

Tỷ lệ học sinh bỏ học ở hầu hết các vùng đều giảm. Các trường đã triển khai tích cực nhiều biện pháp như rà soát, phân loại học sinh từ đầu năm học; cử giáo viên bồi dưỡng học sinh yếu kém, động viên từng đối tượng đã bỏ học tiếp tục ra lớp; phối hợp với các cấp, các ngành, vận động phụ huynh tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Tuy nhiên, một số vùng khó khăn tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm so với năm học trước nhưng vẫn còn cao là vùng Tây Bắc 0,94%, vùng Tây Nguyên 0,84%, vùng đồng bằng sông Cửu Long 0,83%.       

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã được triển khai trên phạm vi cả nước từ tháng 4/2009. Đến nay đã có 10.460 trường phổ thông hoàn thành báo cáo tự đánh giá, chiếm 37%  tổng số trường phổ thông trong cả nước. 52 trường phổ thông được các Sở GDĐT công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.         

Năm học 2009-2010 là năm học đầu tiên Bộ GDĐT triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Bộ đã mở lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên, có tập huấn riêng cho vùng khó khăn; đã có 6.851 trường với hơn 2,3 triệu em, trong đó trẻ 5 tuổi là hơn 585.000 em , được học chương trình mới.

Các Sở GDĐT đã tích cực chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, không "đọc-chép“; đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường sử dụng thiết bị dạy học và phòng học bộ môn, làm và sử dụng thiết bị dạy học tự làm, tăng cường ứng dụng CNTT.

Quy mô phát triển trường lớp của các cấp học, loại hình học tập đều tăng; chương trình kiên cố hóa trường lớp và xây nhà công vụ giáo viên được đẩy nhanh và đã hoàn thành trên 50% chỉ tiêu kế hoạch; hạ tầng công nghệ thông tin được cải thiện. Các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác quốc tế cho giáo dục tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng thẳng thắn cho rằng, chất lượng giáo dục vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Các vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tỷ lệ học sinh yếu kém còn cao; việc huy động học sinh đến lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn; việc phân luồng học sinh THCS và giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT vào quản lý còn chậm.

Đổi mới mạnh mẽ trong năm học mới

 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong năm học 2010-2011, Bộ GDĐT cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thông tin, lắng nghe ý kiến xã hội thông qua trang thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng.

Đánh giá cao việc Bộ GDĐT đã phối hợp chặt chẽ với Cổng TTĐT Chính phủ, Phó Thủ tướng cho rằng, qua kênh thông tin chính thống này,  xã hội sẽ hiểu hơn về những công việc mà ngành đang nỗ lực triển khai.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ GDĐT cần thống nhất quản lý nhà nước về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo; tích cực áp dụng hình thức tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, họp, trao đổi công tác qua mạng Internet và tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong ngành.

Bên cạnh đó, ngành cần tiếp tục triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Đạo đức, Giáo dục công dân. Đẩy mạnh việc dạy ngoại ngữ ngay từ lớp 3, để trong 10 năm tới ngoại ngữ phải trở thành thế mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ sớm xây dựng quy chế khuyến khích giáo viên giảng dạy tốt, hoặc có thành tích nổi bật trong quá trình công tác thông qua việc nâng lương trước thời hạn.

Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong năm học này, ngành GDĐT rà soát điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường nghiệp vụ sư phạm, năng lực giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa. Đặc biệt, viêc giáo dục giá trị hạnh phúc gia đình phải đậm nét và sâu sắc hơn nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Chinhphu.vn

*Nhân dịp này, tân Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận hứa với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sẽ cùng Giám đốc của 63 Sở GDĐT địa phương  kế thừa, phát huy tốt nhất những bài học và kinh nghiệm quý báu đã được đúc kết của ngành Giáo dục để cùng hoàn thành nhiệm vụ trong sự nghiệp “trồng người”.

Nguồn Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN