.jpg)
Đoàn cán bộ nguồn cấp chiến lược Trung ương tìm hiểu về mô hình “nắm” tại Bến Tre.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả
Đối với cấp tỉnh, hầu hết cán bộ theo dõi, hỗ trợ đều chủ động tiếp cận với địa bàn và thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài dự họp cấp ủy định kỳ, nhiều đồng chí còn thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc, các hoạt động khác và hỗ trợ địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là các vấn đề phát sinh tại cơ sở. Nhiều phong trào hành động cách mạng của địa phương đã được các đồng chí góp ý thường xuyên, đi vào chiều sâu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Phương - Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, phụ trách xã Hòa Lợi (Thạnh Phú) đề nghị cần có định hướng để lãnh đạo huyện Thạnh Phú sớm có giải pháp đầu tư giúp xã Hòa Lợi nâng cấp, mở rộng toàn tuyến lộ 26, từ trung tâm xã ra đường huyện với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Đề nghị Tỉnh ủy lãnh đạo đổi mới cách thức thông tin, tuyên truyền đi vào 3 trọng tâm như: xây dựng nội dung, đề cương tuyên truyền phù hợp từng hộ gia đình, người dân; xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền miệng ở cơ sở có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu để đi đến từng hộ gia đình hướng dẫn cụ thể cho dân; biên soạn bộ tài liệu dạng hỏi - đáp, có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Việc truyền cảm hứng, thực hiện nội dung “nắm, góp, kiểm” được quan tâm thực hiện và có sự chuyển biến tích cực. Đồng chí Lê Thanh Vân - Phó trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, phụ trách xã An Thạnh (Thạnh Phú), sau thời gian theo dõi đã đề xuất UBND tỉnh xem lại Hướng dẫn số 529 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tổ chức nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng ngọt hóa chưa khép kín và lộ trình khép kín các công trình thủy lợi trên địa bàn; Công văn số 3817 của UBND huyện Thạnh Phú cụ thể hóa thực hiện nội dung chủ trương giải quyết tình hình nuôi tôm trong dự án ngọt hóa 418. Đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cấm tuyệt đối các hộ dân trong vùng dự án ngọt hóa 418 khoan giếng nước ngầm, bơm nước mặn ngoài đê bao để nuôi tôm biển, cần tuân thủ các quy định của Nhà nước để tạo sự công bằng trong xã hội.
Đối với cấp huyện, thành phố, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, xã, phường, thị trấn cũng thường xuyên giữ mối quan hệ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ cấp tỉnh được phân công hoàn thành nhiệm vụ. Hàng năm, cấp huyện tổ chức sơ kết việc thực hiện, giúp cho cán bộ hỗ trợ các cấp gặp gỡ, trao đổi rút kinh nghiệm trong quá trình “nắm”.
Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành (Giồng Trôm) Đào Văn Hội cho biết: Thời gian qua, xã đã cung cấp đầy đủ thông tin của địa phương cho các đồng chí hỗ trợ và lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các đồng chí. Nhờ vậy, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của xã được kịp thời tháo gỡ.
Hạn chế và giải pháp
Một số đồng chí chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn theo quy định, ít nghiên cứu tài liệu và các chủ trương của Tỉnh ủy; chưa chủ động sắp xếp thời gian đi cơ sở; chưa hỗ trợ có chiều sâu về công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo toàn diện của địa phương. Thực hiện “nắm, góp, kiểm” chưa sâu, đặc biệt chưa nắm chắc một số vấn đề nổi lên của địa phương để góp ý, đề xuất giải pháp. Thực hiện việc trao đổi thông tin với thường trực các huyện ủy, thành ủy, các đồng chí ủy viên ban thường vụ huyện ủy phụ trách vùng, huyện ủy viên phụ trách xã chưa thường xuyên. Nhiều đồng chí chưa thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo định kỳ, hoặc có báo cáo nhưng chỉ chiếu lệ cho có. Phối hợp định hướng hoặc kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết một số việc mang tính chất lâu dài chưa kịp thời, hiệu quả.
Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bùi Văn Bia theo dõi, hỗ trợ xã Phong Nẫm (Giồng Trôm), cho biết: Thời gian qua có tình trạng một số cán bộ viết báo cáo gần như sao chép lại báo cáo của xã, dài nhưng lượng thông tin cần xử lý rất ít. Qua đó nêu đề xuất Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban đảng thống nhất nội dung báo cáo, chủ yếu nêu những vấn đề nổi lên ở địa phương cần quan tâm xử lý, hoặc đề xuất kiến nghị, không lặp lại báo cáo. Nên có quy định thống nhất mỗi quý 1 lần các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy, Huyện ủy tổ chức họp với cán bộ tỉnh, huyện đi cơ sở để trao đổi thông tin, rút kinh nghiệm, tránh tình trạng nơi thực hiện nơi không.
Đối với các huyện, thành ủy, các sở, ngành tỉnh, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy ít tổ chức họp mặt các đồng chí cán bộ tỉnh theo dõi để trao đổi thông tin và phản ánh tình hình cơ sở. Một số sở, ngành tỉnh chưa kịp thời giải quyết và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn được cán bộ theo dõi, hỗ trợ đề xuất, kiến nghị.
Đối với các xã, phường, thị trấn, nhiều địa phương còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ tỉnh. Nhiều địa phương chưa hiểu rõ nhiệm vụ theo dõi, hỗ trợ của cán bộ tỉnh nên công việc gì của địa phương cũng mời tham gia nên ảnh hưởng đến xử lý công việc chung.
Việc thực hiện nội dung xã nắm tới hộ gia đình còn lúng túng, nhất là việc theo dõi, hỗ trợ đối với hộ gia đình. Phó giám đốc Sở Công Thương Trần Văn Đấu, phụ trách xã Phú Lễ (Ba Tri) cho rằng, để đảm bảo công việc tại cơ quan nơi làm việc cũng như tham dự đầy đủ các cuộc họp do Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy xã tổ chức được hiệu quả hơn đề nghị nên quy định cán bộ hỗ trợ mỗi quý tham dự cuộc họp do Đảng ủy xã tổ chức 1 lần. Đối với các cuộc họp sơ kết 6 tháng, tổng kết năm phải tham dự đầy đủ để nắm thông tin báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời.
Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam, sau 3 năm tổ chức thực hiện phương châm “nắm” đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Vừa chuyển tải chủ trương, nghị quyết đến cơ sở nhanh; đồng thời giúp Tỉnh ủy nắm bắt được nhiều vấn đề từ cơ sở. Do đây là chủ trương mới nên thực hiện bước đầu còn nhiều lúng túng. Sắp tới, các cấp ủy, nhất là cấp huyện và cơ sở tiếp tục quan tâm thực hiện phương châm này. Thường xuyên tổ chức họp mặt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chung.
“Các đồng chí được phân công theo dõi, hỗ trợ phải xác định rõ trách nhiệm và tự nâng cao năng lực bản thân trong nghiên cứu các quy định của Đảng, Nhà nước để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn đi cơ sở. Thực hiện có hiệu quả và đi vào chiều sâu nội dung “nắm, góp, kiểm” và truyền cảm hứng cho cơ sở.
Cấp cơ sở xã, phường, thị trấn cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho cán bộ hỗ trợ. Các huyện ủy, thành ủy, các sở, ban ngành tỉnh cần quan tâm kịp thời giải quyết những kiến nghị của cán bộ tỉnh theo dõi, hỗ trợ xã, phường, thị trấn”.
(Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam)
|
Bài, ảnh: Hương Thu