Tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn

06/12/2021 - 06:09

BDK - Theo Đề án số 3333 của UBND tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn (GTNT), tổng số xã ít nhất cần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) để hoàn thành chỉ tiêu Trung ương giao là 18 xã: Sơn Đông, Bình Phú, Mỹ Thạnh An, Phú Hưng (TP. Bến Tre); Phong Nẫm (Giồng Trôm); An Phú Trung, Mỹ Chánh, Vĩnh An (Ba Tri); Châu Hưng (Bình Đại); Phú Túc (Châu Thành); Phú Phụng, Vĩnh Thành, Hòa Nghĩa, Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Hòa (Chợ Lách); Thành An (Mỏ Cày Bắc); Tân Trung (Mỏ Cày Nam); Thới Thạnh (Thạnh Phú).

Xã nông thôn mới Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam). Ảnh: Thành Lập

Xã nông thôn mới Phước Hiệp (Mỏ Cày Nam). Ảnh: Thành Lập

Công tác vận động

Sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, các xã đã triển khai ra dân kế hoạch thực hiện công trình và tập trung quyết liệt từ khâu thành lập ban vận động công trình, chia tổ tiến hành công tác vận động nhân dân đóng góp đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và kinh phí thực hiện nền hạ, chi phí nhân công, máy thi công thực hiện đổ bê-tông mặt đường. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, đa số nhân dân trên địa bàn các xã có công trình thực hiện tích cực tự giác chấp hành tốt công tác giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, di dời hàng rào, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng công trình.

Đối với công tác huy động vốn trong dân, trên cơ sở danh mục công trình có chủ trương thực hiện, các xã xây dựng kế hoạch vận động kinh phí, thành lập ban vận động và tổ vận động thực hiện công tác vận động kinh phí trên từng địa bàn ấp. Đồng thời, UBND các xã đã liên hệ với các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài xã để vận động kinh phí hỗ trợ, cùng bà con xây dựng các tuyến đường.

Để việc huy động vốn xây dựng GTNT có hiệu quả, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong việc huy động để xây dựng giao thông, thực hiện công khai tình hình huy động vốn và quá trình sử dụng vốn để xây dựng GTNT.

Công tác huy động vốn thực hiện phần nền hạ được các xã thực hiện tùy theo tình hình thực tế của từng công trình, mỗi địa phương. Cụ thể, đối với các công trình trên các tuyến dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng ruộng thì sử dụng nguồn vốn GTNT hàng năm trên địa bàn xã để thực hiện. Kết hợp với vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân, hoặc thu trên đầu công đất kết hợp với vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Đối với các công trình trên tuyến dân cư đông đúc thì huy động vốn theo hình thức chia đều theo số hộ trên tuyến kết hợp với vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân.

Những kết quả đáng ghi nhận

UBND các xã thành lập ban chỉ đạo xây dựng công trình, ban giám sát cộng đồng; đồng thời kiến nghị phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ giám sát trong quá trình thi công để đảm bảo chất lượng công trình. Sau khi hoàn thành công trình, các xã cấm bảng tải trọng đường, quản lý nghiêm không cho xe quá tải chạy qua; kịp thời phát quang tuyến đường, nhất là những khúc đường con, ngã ba, ngã tư, khu vực đông dân cư để đảm bảo tầm nhìn, khai thác, vận động người dân đắp lề giữ ổn định mặt đường.

Thời gian qua, việc triển khai 81 công trình, ngân sách tỉnh hỗ trợ 149 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 59 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành bê-tông mặt đường 76/81 công trình. Còn lại 5 công trình do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tạm dừng thi công trên địa bàn 5 xã Lương Hòa (Giồng Trôm), Phước Thạnh, Tiên Thủy (Châu Thành), Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc), Thành Thới A (Mỏ Cày Nam). Phần hạng mục cầu, cống, cọc tiêu, biển báo trên đường, UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện với tổng mức đầu tư 100,452 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 90,407 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 10,045 tỷ đồng, đã hoàn thành 5/42 hạng mục công trình.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức cho biết, về hiệu quả kinh tế thì tiết kiệm ngân sách nhà nước 59 tỷ đồng, từ kinh phí vận động đối ứng thực hiện nền hạ và nhân công xe máy của 81 công trình, đó là chưa kể kinh phí hiến đất, hoa màu, hàng rào. Hiệu quả xã hội, nâng cao năng lực quản lý dự án của cán bộ phụ trách giao thông cấp xã. Phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo sự lan tỏa phong trào xây dựng GTNT theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nâng cao năng lực giám sát của ban giám sát cộng đồng, chất lượng tự quản của người dân do đây là công trình có sự tham gia và đóng góp trực tiếp về kinh phí và ngày công lao động của người dân.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2025

Tiếp tục xây dựng hoàn thiện GTNT theo Đề án quy hoạch chung xây dựng NTM đồng bộ, kết nối liên hoàn giữa các xã với nhau, góp phần cùng với đường huyện, tỉnh, quốc lộ, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt, hoàn chỉnh, đảm bảo xe ô tô đến ngõ, xóm ấp. Trước mắt, xây dựng đạt chuẩn theo tỷ lệ quy định của Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao. Phấn đấu công nhận đạt tiêu chí số 2 về giao thông, góp phần công nhận xã NTM, NTM nâng cao, huyện NTM, NTM nâng cao theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Cụ thể, đến năm 2025, toàn tỉnh có 5 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 thành phố hoàn thành nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, có ít nhất 80% xã đạt chuẩn NTM, có ít nhất 40% xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Rà soát Đồ án quy hoạch chung xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, điều chỉnh nội dung giao thông, đảm bảo tính kết nối thuận tiện với các cơ sở hạ tầng đã, đang chuẩn bị đầu tư và tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa cho người dân. Nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM kết hợp các nguồn vốn đầu tư lồng ghép các chương trình, dự án khác. Tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng gắn với nâng cao chất lượng các công trình.

“Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiến hành tổng kết đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Đề án số 3333 của UBND tỉnh, để tiếp tục xây dựng đề án mới giai đoạn 2021 - 2025. Trong điều kiện tỉnh hiện thiếu nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM, về giao thông cũng là một kênh để chúng ta huy động nguồn lực theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm để xây dựng giao thông, cơ sở hạ tầng cho việc xây dựng NTM, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo”.

(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)

 Huyền Thu

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN