Có lần, Bác đến thăm và nói chuyện rất xúc động tại một hội nghị cán bộ các cấp tại Hà nội (1961): “Nước ta còn nghèo, có nơi, có lúc dân còn thiếu cơm ăn, áo mặc; ở miền Nam, đồng bào ta hằng ngày bị bọn địch đàn áp, máu chảy, đầu rơi. Chúng ta phải quyết tâm cao nhất cùng đồng bào ra sức công tác, tăng gia sản xuất, tiết kiệm nỗ lực xây dựng miền Bắc vững mạnh, chi viện đồng bào miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Bác nói về tiết kiệm như thế nào, Bác làm đúng như vậy hoặc Bác còn làm tốt hơn nữa. Cuộc sống hàng ngày của Bác rất đạm bạc, giản dị như người dân bình thường. Có hôm, Bác bảo đồng chí phục vụ: “Mỗi bữa cháu dọn cơm đem cho Bác thêm vài cái bát để Bác sớt thức ăn. Phần để lại các cháu dùng hoặc chiều hâm lại cho Bác dùng”. Bác dùng bữa không bao giờ đổ một hạt cơm, không bao giờ để thừa thức ăn dở.
Bác chỉ có hai bộ quần áo. Một bộ đã cũ, cái áo sờn cổ sắp rách, đồng chí cần vụ xin phép Bác may cho Bác một bộ đồ mới. Bác bảo: “Tháo cổ áo bị sờn lộn vào trong may lại là tốt rồi”.
Một hôm, Bác đi Quảng Ninh thăm bộ đội hải quân. Khi bước xuống cầu tàu, một chiếc dép cao su của Bác bị tuột một quai hậu, đồng chí cần vụ xin thay đôi dép mới cho Bác. Bác vui vẻ bảo: “Chưa nên thay, còn tốt lắm”. Bác khum xuống, thò tay rút cái quai dép sút cho vào túi áo. Sau đó, Bác xỏ lại dùng tiếp.
Có lần đột xuất Bác đến thăm một đơn vị bộ đội miền Nam. Bác xuống tận bếp, thấy anh nuôi chia cơm, thấy cơm cháy khét nhiều, bác bảo: “Chảo cơm khi gần cạn nước, cháu để lửa nhỏ, cơm khét nhiều hao gạo, anh em ăn đói, tội nghiệp”.
Bác thường đánh máy luôn tài liệu, công văn, giấy tờ, không viết thảo trước, đỡ tốn thời gian và tiết kiệm giấy. Bác làm bao thư bằng giấy báo. Bác viết giấy cả hai mặt.
Bác đi thăm các địa phương, rất ít khi Bác dùng cơm. Bác bảo các đồng chí phục vụ: “Đem cơm theo, Bác cháu ta dùng là tiện nhất”.
Sau khi ta giành chính quyền (1945), bọn phát-xít Nhật tràn vào miền Bắc, chúng cướp hết thóc gạo, đồng bào ta bị chết đói hơn hai triệu người. Đảng, Chính phủ, Bác Hồ kêu gọi cứu đói cho đồng bào; phát động mỗi cơ quan, đơn vị lập hũ gạo tình thương, hũ gạo cứu đói. Mỗi người nhịn ăn một bữa trong suốt tuần, mỗi lần lấy gạo nấu cơm mỗi ngày bớt lại một bát gạo rồi đổ vào hũ đem ủy lạo cho đồng bào vùng bị đói. Các đồng chí lo sức khỏe của Bác, nấu cơm mỗi ngày hai bữa trong suốt tuần Bác không đồng ý. Có hôm, vào chiều cuối tuần, làm cơm mời Bác, Bác hơi buồn: “Lỡ rồi, tuần tới, Bác cháu ta phải nhịn ăn hai bữa để góp gạo cứu đồng bào”. Bác nghẹn ngào…
Bác đến thăm các địa phương, các cơ sở, bao giờ Bác cũng không ở lại lâu nhưng Bác có những nhận xét, những lời ân cần chỉ bảo vô cùng chính xác và sâu sắc lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Đến dự các cuộc họp, bao giờ Bác cũng đến trước 5 phút. Bác không bao giờ nói dài, viết dài. Tiết kiệm thời gian cho mình và cho người khác.
Nhiều lần Văn phòng Phủ Chủ tịch xin Bác cho văn phòng thay chiếc xe hơi mới dành cho Bác, Bác không đồng ý. Bác bảo: “Xe Bác đi còn tốt lắm”. Khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, Bác mới chịu lên xe mới trong chốc lát.
Hàng năm, vào trước Tết Nguyên đán vài giờ, trên đài phát thanh, trên trang nhất các báo đều đăng Thư chúc Tết của Bác gởi đồng bào cả nước, Bác căn dặn và chúc bà con ăn Tết vui vẻ và tiết kiệm.
Đồng bào ở các địa phương thỉnh thoảng kính gởi chút ít quà biếu để bồi dưỡng cho Bác. Bác bảo các đồng chí phục vụ đem tặng các đại sứ quán, các nhà trẻ, các trường mẫu giáo và các cụ cao niên…
Bác thường xúc động bảo các đồng chí gần gũi với Bác: “Cơm áo, phương tiện ta dùng hàng ngày là nhờ sức lao động vất vả, cực khổ của đồng bào mới có. Ta phải giữ gìn, tiết kiệm thật nghiêm. Tiền bạc, của cải, những gì không đáng xài ta phải tiết kiệm, những gì cần thiết thì chi xài đúng. Tiết kiệm là đạo đức tốt đẹp của mỗi người”.