|
Ông Đỗ Văn Đức cắt tỉa kiểng. |
Những năm trước, Hội Người cao tuổi xã Hòa Lộc không có điểm gì nổi bật so với các địa phương khác. Nhưng hiện nay, Hội Người cao tuổi xã Hòa Lộc là một điểm sáng, thu hút đông đảo hội viên tham gia, bởi nơi đây là điểm sinh hoạt của các cụ già trao đổi kinh nghiệm giáo dục con cháu. Có sự thay đổi đó, chính là nhờ tài vận động, tập hợp hội viên của Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã – ông Đỗ Văn Đức.
Ông Đỗ Văn Đức (ở ấp Hưng Long) đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn nhiệt tình trong công tác hội. Khi nói về hoạt động của Hội nét mặt ông phấn khởi hẳn lên: “Hội vừa tặng áo rộng, khăn đóng cho các cụ 90 tuổi. Hội cũng đã chuẩn bị 30 chiếc mền để tặng các cụ 80 tuổi trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Người cao tuổi 1-10 năm nay. Hội đã tặng quà cho các cụ cao tuổi với số tiền trên 24 triệu đồng” - ông Đức vui vẻ khoe về những việc làm “khác” hơn so với các xã.
Không chỉ đến bây giờ ông Đức mới học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ khi rời chiến trường, tham gia công tác tại địa phương, ông đã làm theo lời dạy của Bác. Ông nói: “Tư tưởng Hồ Chí Minh như sông sâu, biển rộng. Riêng tôi, tôi tâm đắc nhất là đức tính cần, kiệm, liêm, chính”.
Nói là làm. Từ khi là Chủ tịch Hội Người cao tuổi đến nay, ông luôn gương mẫu thực hiện theo tấm gương của Bác, được vận dụng vào công việc một cách cụ thể. Đó là cần mẫn, hết sức mình vì công việc. Việc tiết kiệm được thực hiện hằng ngày, trong chi tiêu, hội họp. Những tờ giấy đã sử dụng một mặt được dùng làm bao thư cho hội. Ông nói: “Tích tiểu thành đại, mỗi năm ông tiết kiệm được cho hội trên 300 bao thư”. Ông cười xòa: Tôi xài phong thư này đã mấy năm nay nhưng chưa nghe ai “phê bình” gì.
Cái liêm của ông Đức là minh bạch trong kinh phí hoạt động của hội. Hàng tháng, hội đều công khai tài chính. Kinh phí hội thu được từ “trại hòm từ thiện” đều sử dụng vào việc tặng quà cho các cụ cao tuổi, tổ chức tiệc trà các dịp lễ, hỗ trợ các ấp tổ chức Ngày Quốc tế người cao tuổi.... Còn quỹ hội hàng tháng thì các ấp tự chi cho các hoạt động phong trào tại ấp. Tiền chân quỹ gần 7 triệu đồng được sử dụng làm vốn cho hội viên mượn không lời. Đặc biệt, tiền chân quỹ này chỉ cho hội viên mượn trong lúc ốm đau, bệnh tật. Các hội viên từ 80 tuổi trở lên thì không phải đóng tiền quỹ hội hàng tháng.
Không giống với các địa phương khác, Hội Người cao tuổi xã Hòa Lộc có trụ sở làm việc khang trang, đầy đủ tiện nghi với kinh phí xây dựng gần 100 triệu đồng. “Cơ sở đó được xây dựng bằng tiền kinh doanh của hội”, ông Đức nói.
Trong gần 5 năm qua, vị Chủ tịch Hội đã thực hiện được mong muốn: tập hợp người già lại với nhau để sống vui sống khỏe, sống có ích. Nhưng theo ông có được những kết quả như ngày hôm nay chính là sự quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã; sự minh bạch về tài chính của cơ sở và quan trọng là thực hiện theo lời Bác: “Nói đi đôi với làm”. Ban Chấp hành hội đồng thuận, không làm mất lòng tin nơi hội viên.
Trong gia đình, ông luôn giáo dục con cháu phải biết tiết kiệm trong chi tiêu, không hoang phí tiền bạc. Trong hoạt động hội, ông đề ra phương châm: Phát huy vai trò người lớn tuổi, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Các hội viên phải học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực. Thực hiện theo lời dạy của Bác, ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hòa Lộc Đỗ Văn Đức luôn rèn luyện mình trở thành tấm gương sáng cho con cháu noi theo để xứng đáng là “ Cây cao bóng cả” của đất nước.