Tiết kiệm – việc đang nói nhiều làm ít?

01/05/2009 - 15:25

Chẳng đòi hỏi công phu to tát gì, cũng chẳng cần suy nghĩ rối rắm gì, chuyện tiết kiệm ai cũng có thể làm được, làm bất cứ lúc nào, bất cứ từ nguồn nào, tiết kiệm ít nhiều tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của mỗi người, mỗi đơn vị và mỗi địa phương.

Người nông dân chắt chiu từng hạt lúa, củ khoai; anh công nhân tận dụng từng cây đinh, gam thép; giáo viên tiết kiệm từng viên phấn; chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tận dụng từng miếng giẻ, giọt dầu lau súng; cán bộ công chức tiết kiệm từng đồng lương để phòng khi trái gió trở trời… tất cả mọi người ở những địa phương khác nhau trong xã hội đều có thể dễ dàng thực hành tiết kiệm. Điều này ai cũng hiểu, cũng thấy rất là lợi ích. Thế nhưng làm? Quả là còn quá nhiều người nói suông. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được ban hành, các cấp, các ngành và các địa phương đã tổ chức học tập quán triệt, nhưng việc thực hiện chưa đâu vào đâu, hình như luật trên chưa thật sự đi vào cuộc sống của cả cộng đồng chúng ta!.

Rõ ràng đã đến lúc (nếu như không muốn nói là quá muộn) mọi người phải nhìn nhận lại chính mình một cách nghiêm túc đối với việc thực hành tiết kiệm, tự hỏi mình đã tiết kiệm được gì cho chính mình và cho xã hội. Trước hết, người “kiểm thảo” việc này phải là những người đứng đầu, cán bộ chủ chốt của các tổ chức trong toàn bộ hệ thống chính trị ở các cấp, thứ đến là đội ngũ đảng viên, cán bộ, viên chức Nhà nước, những người làm công ăn lương. Phải đả phá cho được lối sống theo kiểu “cha chung không ai khóc”, phải xóa được sự “dị ứng” với tác phong làm việc cần mẫn, tiết kiệm từng “cây kim sợi chỉ”. Ở cơ quan nọ, có một cán bộ sau khi học tập quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã lẳng lặng kê cái bàn làm việc thường ngày ra gần cửa sổ để tận dụng ánh sáng mặt trời, không phải sử dụng bóng đèn điện như trước đó, ít sử dụng xe con theo tiêu chuẩn, giấy A4 được cán bộ ấy tận dụng cả 2 mặt… ai để ý, sẽ thấy đó là việc thực hành tiết kiệm rất cụ thể theo kiểu “tích thiểu thành đa”. Đúng là chuyện tiết kiệm ai cũng có thể làm được, bởi nó thật sự là việc dễ nhất trong những việc dễ làm, tại sao cứ nói nhiều mà làm quá ít, thậm chí không làm. Đêm 28-3 vừa qua, sau khi hưởng ứng Giờ trái đất, sản lượng điện cả nước ta đã giảm được 140.000 kW/h so với cùng thời điểm ngày thứ bảy tuần trước (nguồn: Báo Tuổi Trẻ ngày 29-3-2009). Đây là một sự minh chứng cho tinh thần và hệ quả tiết kiệm có tính chiến lược. Vì thế, xin hãy thực hiện tiết kiệm ngay!.

Mai Mộng Tưởng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN