Tiểu đoàn 520 anh hùng

15/12/2014 - 14:09

LTS: Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bến Tre có nhiều đơn vị bộ đội được thành lập, có đơn vị tồn tại cho đến ngày nay; có đơn vị chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chiến công và phiên hiệu của đơn vị còn vang mãi trong lòng nhân dân, được nhân dân tôn vinh, yêu quý như người anh hùng. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi xin được giới thiệu về Tiểu đoàn 520, thành lập ở Bến Tre được tăng cường chiến đấu trên chiến trường Long An.

* Chiến đấu trên quê hương Đồng Khởi anh hùng

Sau thất bại mùa khô năm 1967 của địch trên toàn miền Nam nói chung và của tỉnh Bến Tre nói riêng, dù được quân Mỹ tăng cường tiếp sức nhưng tinh thần chiến đấu của quân ngụy vô cùng hoang mang, sa sút, buộc chúng phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Bị ta tấn công mạnh, liên tục, chúng lần lượt rút các căn cứ, đồn bót về co cụm phòng thủ một cách bị động nhằm bảo vệ thị trấn, thị xã nơi đầu não trọng yếu của chúng. Nhưng cường độ chiến tranh ngày càng cao và vô cùng ác liệt, địch huy động toàn bộ nguồn lực chiến tranh, ngày đêm đánh phá vào vùng giải phóng; trọng tâm là vùng ven, nhằm đẩy lực lượng ta ra xa vùng chiếm đóng của chúng.

Trên chiến trường Bến Tre, cùng với phong trào giết giặc lập công của toàn miền Nam, tỉnh Bến Tre thực hiện thế chủ động tấn công địch, bằng 2 chân, 3 mũi giáp công. Vùng giải phóng của ta ngày càng mở rộng, phong trào tòng quân của thanh niên tỉnh nhà ngày càng cao. Để chuẩn bị lực lượng đủ sức đánh đòn phủ đầu quân địch khi có thời cơ và sẵn sàng tăng cường lực lượng bổ sung cho các đơn vị khắp các chiến trường; chấp hành sự chỉ đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre trong một thời gian ngắn từ tháng 6 đến tháng 10-1967 thành lập 3 tiểu đoàn gồm: Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 4. Tiểu đoàn 4 được thành lập vào ngày 4-6-1967, tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn gồm: Đồng chí Lê Hoàng Bá (Mười Hùng) - Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Tư Kiên - Chính trị viên phó; đồng chí Năm Trụ (quê miền Bắc) - Tiểu đoàn phó.

Để xây dựng, củng cố mạnh về chất đảm bảo đủ sức đánh địch, Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre chủ trương giải tán Tiểu đoàn 2 của tỉnh, lấy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 tăng cường bổ sung Tiểu đoàn 516 và Tiểu đoàn 4, đồng thời đặt phiên hiệu của Tiểu đoàn 4 thành Tiểu đoàn 520. Tiểu đoàn được biên chế thành 4 Đại đội (Đại đội 1, Đại đội 2, Đại đội 3, Đại đội 4) và trong đó có Trung đội Trinh sát, Trung đội Thông tin, Trung đội Đặc công và Hậu cần. Khung cán bộ Tiểu đoàn và một số cán bộ Đại đội hầu hết được Tỉnh Đội điều từ Tỉnh Đội và Tiểu đoàn 516 sang. Các Đại đội thì lấy cán bộ chiến sĩ của các huyện trong tỉnh như: Đại đội 1 lấy bộ đội địa phương huyện Mỏ Cày, do đồng chí Tám Công Tác làm Đại đội trưởng. Đại đội 2 lấy bộ đội địa phương huyện Bình Đại, do đồng chí Ba Bằng làm Đại đội trưởng. Đại đội 3 lấy bộ đội địa phương huyện Giồng Trôm, do đồng chí Quốc Thanh làm Đại đội trưởng. Đại đội 4 do đồng chí Ba Hoàng làm Đại đội trưởng. Ngoài ra, các Đại đội còn được bổ sung một số cán bộ từ Trường Quân chính ra và một số tân binh mới nhập ngũ. Đảng ủy Tiểu đoàn được Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn làm Bí thư Đảng ủy; đồng chí Tiểu đoàn trưởng làm Phó Bí thư; 3 đồng chí Tiểu đoàn phó và các đồng chí Chính trị viên Đại đội là Đảng ủy viên. Các đại đội đều có chi bộ Đảng, do đồng chí Chính trị viên trưởng Đại đội làm Bí thư, các Trung đội đều có tổ Đảng. Các Đại đội, Trung đội và các đơn vị đều có phân đoàn và chi đoàn. Đây là lực lượng xung kích trong chiến đấu và công tác của Tiểu đoàn.

Tuy ra đời sau các tiểu đoàn đàn anh khác trong tỉnh nhưng phần lớn cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 520 đã kinh qua công tác và chiến đấu. Sau khi được hình thành, Tiểu đoàn thường xuyên quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng, văn hóa, xây dựng tổ chức Đảng, Đoàn; kịp thời nắm bắt tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, chú trọng thường xuyên huấn luyện chiến thuật đánh địch. Đến khi Tiểu đoàn ra quân đánh địch thì chiến thắng ngay trận đầu, sau chiến thắng ấp Giồng Trung được Ban Chỉ huy phát động phong trào thi đua xây dựng Tiểu đoàn thép, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ hưởng ứng phong trào. Vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng, tổ chức học tập chính trị, quân sự, văn hóa và văn nghệ quần chúng. Khi được lệnh tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Tiểu đoàn tuyệt đối chấp hành theo sự phân công của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tiểu đoàn đánh đúng các mục tiêu của địch như: căn cứ hậu cần của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ngụy và phục kích đánh thiệt hại Tiểu đoàn 3, tấn công khu phố Mỹ Lồng, Trung tâm Chiêu hồi ngụy; giải phóng xã Mỹ Thạnh và xã Phú Hưng nhiều ngày. Ngoài ra, Tiểu đoàn tổ chức đánh đồn cầu Chẹt Sậy nhằm chia cắt, cô lập 2 huyện Giồng Trôm và Ba Tri của địch; phối hợp cùng các đơn vị bạn đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn công binh ngụy trên quốc lộ 6; tấn công huyện lỵ Giồng Trôm; đánh Trung đoàn 10, Sư đoàn 7 ở xã Hữu Định và đánh tàu trên sông Giồng Trôm.

Từ ngày Tiểu đoàn ra quân đến đầu tháng 6 năm 1967 trên mảnh đất Bến Tre, Tiểu đoàn đã tổ chức và phối hợp đánh địch trên 20 trận lớn nhỏ, bắn cháy 1 tàu chiến của địch, tiêu diệt 1 đại đội. Đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn, hơn 600 tên giặc đền tội, ta thu nhiều vũ khí của địch.                 

* Chiến đấu trên vùng đất Long An “Trung dũng, kiên cường”

Tháng 5-1968, sau khi Tiểu đoàn bắn cháy tàu địch đổ quân và tiêu diệt hàng chục tên địch ở Mỏm Voi, Lương Phú, Tiểu đoàn rút quân về Tân Hào và được lệnh Quân khu rút về trên.

Trước khi Tiểu đoàn 520 vượt sông Cửu Long theo yêu cầu của chiến trường mới, đơn vị phải biên chế và trang bị gọn nhẹ. Do đó, Tiểu đoàn biên chế như sau: Về Ban Chỉ huy Tiểu đoàn chỉ còn 3 đồng chí gồm: đồng chí Mười Hùng - Tiểu đoàn trưởng; đồng chí Tư Kết - Chính trị viên; đồng chí Tư Chiến - Tiểu đoàn phó. Tiều đoàn gồm 4 Đại đội: Đại đội 1: Đồng chí Tám Công Tác - Đại đội trưởng; Đại đội 2: Đồng chí Tư Châu - Đại đội trưởng; Đại đội 3: Đồng chí Ba Cải Tạo - Đại đội trưởng; Đại đội 4: Đồng chí Ba Hoàng - Đại đội trưởng và Đoàn bộ gồm các bộ phận như: Trinh sát, thông tin, tham mưu, chính trị, không có đặc công. Như vậy, Tiểu đoàn còn 4 Đại đội và Đoàn bộ nhưng biên chế và trang bị gọn nhẹ, quân số lúc này còn khoảng hơn 400. Ngày 16-6-1968, Tiểu đoàn vượt sông Cửu Long về đóng quân ở xã Bần Long và xã Phú Phong, sau đó hành quân về Cẩm Sơn đóng quân. Khoảng 3 ngày sau, Tiểu đoàn hành quân vượt quốc lộ 4 (tức quốc lộ 1 bây giờ) về đóng quân tại Ấp Bắc. Sau đó tiếp tục hành quân về xã Long Định để qua quốc lộ 4  về Phân khu III. Trên đường hành quân cũng là lúc tổng tấn công đợt II, năm 1968 nổ ra, lực lượng Quân khu tấn công vào căn cứ Hùng Vương của địch. Sáng lại, địch đổ quân phản kích đụng Tiểu đoàn 520 đóng quân tại Kinh Năng. Quân ta và địch chiến đấu suốt 1 ngày. Qua 1 ngày chiến đấu với địch, ta tiêu diệt hàng chục tên và hàng chục tên khác bị thương, ta hy sinh 22 đồng chí, trong đó có đồng chí Tư Châu - Đại đội trưởng Đại đội 2. Tối lại, đơn vị hành quân về Gò Lũy, Nhị Bình (Châu Thành, Tiền Giang), tiếp đó hành quân trở lại xã Long Định vượt lộ về Phân khu III, đóng quân ở các xã như: Đồng Sơn, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang; Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

* Lập chiến công xuất sắc trên chiến trường Phân khu III Long An

Phân khu III Long An nằm về Tây Nam của Sài Gòn, Gia Định. Lực lượng chiến đấu và công tác của phân khu lấy địa bàn các huyện thuộc tỉnh Long An như: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành làm bàn đạp tấn công địch; đây cũng là con đường huyết mạch hậu cần, vận chuyển đạn dược vào nội ô.

Đợt 1 và đợt 2 Tết Mậu Thân do địch phòng thủ sơ hở, quân và dân Phân khu luồn vào bên trong đánh địch giành nhiều thắng lợi. Rút kinh nghiệm của 2 đợt tấn công vừa qua, cũng nhằm ngăn chặn quân ta tấn công đợt 3 vào Sài Gòn, địch tăng cường tập trung phòng thủ hướng Tây Nam Sài Gòn khá mạnh. Một số tiểu đoàn của quân Mỹ đóng ở các căn cứ như: Rạch Kiến, Chợ Đào, huyện Cần Đước; Bình Tịnh, huyện Tân Trụ; Tầm Vu, huyện Châu Thành. Về quân ngụy, chúng tập trung Trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25, một số tiểu đoàn như Thủy quân lục chiến và Tiểu đoàn dù (chưa kể quân địa phương) và hàng trăm khẩu pháo ở các căn cứ nêu trên. Địa hình ở đây trống trải, rất thuận lợi cho địch. Vì vậy, các đơn vị chiến đấu của ta khi về đây đóng quân đều phải phân tán, khi có yêu cầu đánh địch mới tập trung lại. Tiểu đoàn 520 về đóng quân tại xã Thuận Mỹ và Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chờ lệnh phân công của Phân khu 3. Trong khi chờ đợi, Tiểu đoàn tổ chức học tập chính trị, củng cố tổ chức Đảng, Đoàn, đồng thời tổ chức lại biên chế, giải tán Đại đội 3, Tiểu đoàn còn lại 3 Đại đội Bộ binh.

Sáng ngày 10-7-1968, địch đổ quân xuống khu vực Cầu Mống, thuộc xã Thanh Vĩnh Đông. Chúng đánh vào ngay đội hình Đại đội 1. Qua 1 ngày đánh địch của Đại đội 1, ta hy sinh 12 đồng chí, tiêu diệt hơn 100 tên địch. Tối lại, Tiểu đoàn hành quân về xã Đồng Sơn, sau đó hành quân trở về xã Thuận Mỹ. Đại đội 2 đóng quân tại ấp Bình Thạnh 3 (tức ấp 3). Sáng ngày 22-7-1968, địch đổ quân đánh vào Trung đội 3 của Đại đội 2. Suốt một ngày đánh địch, ta chỉ bị thương 1 đồng chí, địch bị ta tiêu diệt hơn 20 tên. Tối lại, ta tiếp tục hành quân về xã Đồng Sơn đóng quân. Mấy ngày sau, Tiểu đoàn hành quân trở lại Thuận Mỹ, rồi tiếp tục trở về Đồng Sơn.

Tối ngày 10-8-1968, Tiểu đoàn hành quân về đóng quân tại ấp 3, xã Thuận Mỹ 1 ngày, tối ngày 11-8, Tiểu đoàn hành quân về ấp 2 (tức ấp Bình Thạnh 2) (lộ Thầy Ban) và xã Thanh Vĩnh Đông. Nhằm thực hiện chiến thuật tìm diệt của Mỹ, cũng như các buổi sáng của những ngày trước, từ trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Long An, địch cho 2 chiếc trực thăng chiến đấu cùng 2 chiếc máy bay (bầu nóc) đi quần đảo khắp nơi. Nếu chúng tình nghi chỗ nào có ta đóng quân thì chúng cho máy bay trực thăng đổ quân xuống thăm dò, nếu đụng thì chúng cho đổ quân xuống tiếp tục đánh ta.

Sáng ngày 12-8-1968, chúng cho máy bay xuống quần đảo tại ấp Bình Thạnh 3; lát sau, chúng cho 3 trực thăng chở quân đổ xuống lùng sục. Khoảng 10 phút sau đó (tức hơn 7 giờ), chúng cho máy bay quần đảo khu vực ấp 2, khoảng mươi phút sau chúng cho 3 chiếc trực thăng đến chở số quân chúng vừa đổ ở ấp 3 sang đổ xuống ngay đầu lộ Thầy Ban thuộc ấp Bình Thạnh 2. Từ đầu lộ Thầy Ban, theo cập trục lộ, chúng đi bộ vào ngay đội hình phòng ngự của Tiểu đội 1, Trung đội 1, Đại đội 2. Tiểu đội 1 bắt đầu nổ súng (lúc này khoảng 8 giờ sáng), đánh hất chúng ra đồng. Liền lúc đó, các bãi pháo của các căn cứ Tầm Vu, Rạch Kiến, Chợ Đào, Bình Tịnh tập trung bắn tới tấp vào đội hình phòng ngự của ta. Sau đó chúng cho phi cơ đến ném bom kết hợp đổ quân. Khoảng 9 giờ, chúng cho quân đánh vào đội hình phòng ngự của Đại đội 3. Đại đội 3 nổ súng, chúng dừng lại cho ném bom và tiếp tục đổ quân đến khoảng 10 giờ, chúng cho quân tiếp tục đánh vào Đại đội 3, ta tiếp tục nổ súng đánh địch. Từ đó đến 1 giờ chiều quân địch tập trung đánh rát Đại đội 3, chúng tổ chức đánh vào từng mũi nếu mũi này đụng thì chúng cho mũi khác đánh vào, tiếng súng giữa ta và địch không bao giờ ngớt. Khi chúng tổ chức đánh vào Đại đội 3 thì pháo và bom chúng tập trung bắn và ném xuống đội hình phòng ngự của Trung đội 1, Đại đội 2 và tổ chức đổ quân.

Qua nhiều lần địch bắn pháo và ném bom, Tiểu đội 2, Trung đội 1 hy sinh 5 đồng chí do bị sập công sự, Tiểu đội chỉ còn lại 3 đồng chí, gồm: Đồng chí Tiểu đội trưởng, đồng chí Tiểu đội phó cùng 1 đồng chí Tiểu đội phó trinh sát được Đại đội cử xuống nắm tình hình nhưng bị địch chia cắt không về Đại đội được, phải ở lại cùng với 2 đồng chí Tiểu đội 2 chiến đấu. Đến khoảng 4 giờ chiều ngày 12-8-1968, cánh quân của địch lọt vào đội hình phòng ngự của Tiểu đội 2, ta nổ súng đánh trả nhiều đợt tấn công của địch. Trong lúc nổ súng đánh địch, đồng chí Tiểu đội phó Tiểu đội 2 hy sinh, đội hình đánh địch của Tiểu đội 2 lúc này chỉ còn 2 đồng chí, nhưng 2 đồng chí bám đánh địch cho đến trời tối, địch không vào được. Vừa êm tiếng súng, lợi dụng trời tối, các cánh quân của ta đã liên lạc được cùng nhau và thống nhất Trung đội 1 nhập vào đội hình chiến đấu của Đại đội 3.

Sau đó, toàn bộ lực lượng ta tìm đường rút ra, hơn 2 giờ sáng ngày 14-8-1968, quân ta chưa tìm đường ra được, Ban Chỉ huy Đại đội buộc phải đánh địch phá đường máu ra và thống nhất phân công như sau: Trung đội 1 Đại đội 2 đánh địch trong đội hình; toàn bộ Đại đội 3 đánh địch ngoài đồng. Đúng 3 giờ sáng ta nổ súng. Do địa hình thuận lợi: Trung đội 1 Đại đội 2 vượt lên tiếp cận và tiêu diệt toàn bộ quân địch, sau đó Trung đội vận động đánh xuyên hông địch chi viện cho Đại đội 3. Lúc này địch bị mất liên lạc, chúng cho pháo bắn hủy diệt trận địa. Trong một ngày đêm chiến đấu kiên cường, ta đã tiêu diệt hơn 200 tên địch, trong đó có tên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 199 của Mỹ. Ta hy sinh 57 đồng chí; trong đó có đồng chí Ba Cải Tạo - Đại đội trưởng và đồng chí Hoàng Thành (Ngân), quê Quới Sơn, Châu Thành, Bến Tre - Chính trị viên Đại đội 3. Sau khi đánh địch xong, quân ta rút về xã Đồng Sơn, huyện Chợ Gạo gặp lại Tiểu đoàn. Tối ngày 14-8-1968, Tiểu đoàn tiếp tục hành quân trở lại xã Thuận Mỹ tổ chức thu dọn chiến trường, chôn cất cán bộ, chiến sĩ hy sinh và tổ chức bình bầu khen thưởng các chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ đánh địch; đồng thời Tiểu đoàn được Bộ Tư lệnh miền công nhận đạt danh hiệu Tiểu đoàn Thép.          

* Trên chiến trường huyện Cần Đước

Nhận nhiệm vụ của Phân khu III giao, kết hợp cùng với dân và quân địa phương bám trụ đánh địch bảo vệ hành lang cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn, khi có thời cơ Tiểu đoàn tấn công vào quận 7. Địa bàn Tiểu đoàn đóng quân thuộc các xã của huyện Cần Đước. Sau khi nhận nhiệm vụ, vào khoảng cuối tháng 8-1968, Tiểu đoàn hành quân qua sông Vàm Cỏ về đóng quân tại xã Phước Tuy, huyện Cần Đước. Sau trận ấp 2 (lộ Thầy Ban), xã Thuận Mỹ, địch phát hiện Tiểu đoàn 520, chúng cho quân luôn theo dõi và quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Tiểu đoàn. Theo đánh giá của chúng, Tiểu đoàn 520 là đối tượng phải tiêu diệt của Lữ đoàn 199 Mỹ và Trung đoàn 46, Sư đoàn 25 ngụy.

Đến đầu tháng 9-1968, phát hiện ta ở ấp 2, xã Phước Tuy (rạch Bến Trể), chúng đổ quân đánh vào Đại đội 3, Đại đội 1 và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn. Suốt một ngày giằng co đánh địch, ta giữ vững trận địa; tuy vậy, Tiểu đoàn tổn thất khá nặng. Đồng chí Mười Hùng - Tiểu đoàn trưởng và cùng 30 cán bộ, chiến sĩ khác hy sinh, trong đó có đồng chí Hà Thành - Trợ lý tham mưu, đồng chí Ba Dương - Trợ lý chính trị. Qua trận này, Đại đội 3 của Tiểu đoàn chỉ còn lại khoảng 10 đồng chí. Tiểu đoàn giải tán, Đại đội 3 tăng cường một số đồng chí còn lại và 18 cán bộ, chiến sĩ miền Bắc vừa được Phân khu bổ sung cho Tiểu đoàn bố trí về Đại đội 1. Sau trận đánh Vàm Bến Trể khoảng 1 tuần, địch đổ quân xuống khu vực cầu Hàn, thuộc ấp 2, xã Phước Tuy, chúng đánh vào ngay Đại đội 1. Qua một ngày đánh địch, ta hy sinh hơn 10 đồng chí (số anh em miền Bắc vừa được bổ sung hy sinh chỉ còn lại khoảng 8 đồng chí).

Đầu tháng 10-1968, địch tiếp tục đổ quân đánh vào Đại đội 1 tại cù lao thuộc ấp 3, xã Phước Tuy. Qua 1 ngày đánh địch, ta tiêu diệt hơn 10 tên, bắn rơi tại chỗ một chiếc trực thăng địch, hy sinh 10 đồng chí. Giữa tháng 10-1968, Tiểu đoàn hành quân về địa bàn huyện Tân Trụ, đóng quân ở các xã như: Nhựt Ninh, Tân Phước và Bình Trinh để củng cố, tổ chức học tập chính trị, văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ. Trong lúc khó khăn, không thầy, không giấy viết, các chiến sĩ Tiểu đoàn khắc phục bằng cách lấy người biết chữ dạy người không biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít và lấy bùn non tô lên nóc công sự làm giấy, lấy cây khô làm viết. Tuy đơn giản như vậy, nhưng qua đợt học tập đã củng cố được tư tưởng của các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn.

Cuối tháng 10-1968, địch đổ quân đánh vào Trung đội 2, tại xã Bình Trinh. Ta đánh địch bật ra. Trung đội bị thương 1 đồng chí và đồng chí Minh Trung - Đại đội phó hy sinh. Đầu tháng 11-1968, địch tiếp tục đổ quân xuống xã Tân Phước và Nhựt Ninh, chúng bắt sống đồng chí Tư Chiến (Chiến Đời) - Tiểu đoàn phó; khoảng một tuần lễ sau, Tiểu đoàn hành quân về xã Phước Tuy, huyện Cần Đước đóng quân ở ấp 2, ấp 3 và ấp 4.

Cuối tháng 11-1968, địch đổ quân đánh vào đội hình Trung đội 2, Đại đội 1, ở ấp 2 (cặp sông Vàm Cỏ Đông). Đồng chí Nguyễn Sơn - Đại đội trưởng Đại đội 1 cùng 5 chiến sĩ của Trung đội hy sinh. Lúc này, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn không còn. Để củng cố cho Tiểu đoàn có Ban Chỉ huy, theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Phân khu III, ngày 29-11-1968, đồng chí Tám Công Tác và đồng chí Ba Thắng triệu tập cuộc họp cán bộ từ Trung đội trở lên đề xuất lấy ý kiến đề cử một số đồng chí lãnh đạo Tiểu đoàn như sau:

Đồng chí Tám Công Tác - Trưởng Tiểu đoàn; Đồng chí Ba Thắng - Chính trị viên Tiểu đoàn; Phân khu bổ sung cho Tiểu đoàn 2 cán bộ: Đồng chí Sáu Giàu làm trợ lý tham mưu, đồng chí Chín Lạc làm nhiệm vụ Đại đội phó Đại đội 1. Quân số của Tiểu đoàn lúc này còn khoảng 120 đồng chí.

Đầu tháng 12-1968, địch tổ chức bình định ở phân khu III. Chúng lấy huyện Cần Đước làm địa bàn trọng điểm mà tập trung là xã Phước Tuy. Nhiệm vụ của Tiểu đoàn lúc này là cùng với quân và dân huyện Cần Đước chống phá bình định lấn chiếm của Mỹ - ngụy. Ngày 7-1-1969, Tiểu đoàn kết hợp cùng bộ đội địa phương đánh tập kích Đại đội bình định của địch đóng dã ngoại tại ấp 6 (trận Cây Dương). Khi ta hành quân chiếm lĩnh bị địch phát hiện nổ súng, buộc ta phải rút ra, ta hy sinh 4 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí là bộ đội địa phương. Tuy trận này ta thất bại nhưng cũng làm cho địch hoang mang. Suốt 1 tuần chúng co cụm ở ấp 6 không dám bung ra bình định.

Nhằm chuẩn bị cho tấn công đợt 3 vào Sài Gòn của quân và dân ta, ngày 12-1-1969, Tiểu đoàn tổ chức đoàn cán bộ thứ 2 vào tiền tiêu và nhận địa bàn đánh địch trong nội ô Sài Gòn (quận 7). Trên đoạn đường đi, vừa tới ấp 1, xã Quí Đức, huyện Cần Giuộc thì đụng địch đánh chặn, buộc đoàn phải trở lại. Địch quyết tâm bình định cho bằng được xã Phước Tuy, còn ta cũng quyết tâm đánh địch giữ cho bằng được địa bàn. Vào khoảng giữa tháng 1-1969, địch tập trung quân ngụy kết hợp với quân Mỹ đổ quân đánh phá liên tục, dài ngày vào xã Phước Tuy. Cá biệt, có những ngày chúng đổ quân 6 lần. Bọn địch đánh mạnh, đánh liên tục. Để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn chủ trương thay đổi chiến thuật đánh địch: Lấy ít đánh nhiều, ban ngày tuyệt đối không đánh địch, ban đêm địch co cụm ta dùng lực lượng nhỏ tập kích tiêu hao địch.

Đến cuối tháng 1-1969, Quân khu bổ sung đồng chí Tám Oanh về làm Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn, đồng chí Sáu Nhân làm Tiểu đoàn phó đồng thời bổ sung gần 80 chiến sĩ quân miền Bắc.

Vào khoảng giữa tháng 2-1969, địch cho một đại đội thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 45 ngụy kết hợp cùng quân địa phương, chúng kéo ra xã Phước Tuy bảo vệ bọn bình định. Nắm được quy luật của chúng, Tiểu đoàn tổ chức phục kích đánh địch ban ngày tại ấp 2, xã Phước Tuy. Kết quả, ta tiêu diệt chúng hơn 50 tên, số còn lại bỏ chạy về huyện Cần Đước. Bị thất bại, địch tăng cường quân, ban ngày chúng cho quân càn quét, ban đêm chúng đóng quân tại chỗ. Cuối tháng 2-1969, Tiểu đoàn tổ chức tập kích đánh diệt gọn một đại đội của Tiểu đoàn 3 ngụy đóng quân tại ấp 1. Hơn 100 tên địch và tên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3 đền tội.

Đến  cuối tháng 4-1969, Tiểu đoàn 3 của địch co cụm đóng quân tại ấp 2 và ấp 3, xã Phước Tuy. Tiểu đoàn 520 kết hợp cùng bộ đội địa phương tổ chức tập kích đánh gây cho chúng thiệt hại nặng, ta tiêu diệt hơn 150 tên, trong đó có Ban Chỉ huy tiểu đoàn của chúng. Bị thất bại, chúng cho rút tiểu đoàn quân ngụy ở Phước Tuy về huyện Cần Đước để củng cố. Đến gần giữa tháng 9-1969, được Mỹ tăng cường, Tiểu đoàn 3 ngụy tổ chức càn quét, bình định. Chúng càn quét đến đâu cho lực lượng lao công đào binh chặt cây phát quang đến đấy. Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ cây cối trong xã đều bị chúng chặt trống làm cho ta gặp nhiều khó khăn.

Tuy vậy, cán bộ và chiến sĩ của Tiểu đoàn kiên cường bám trụ, cùng với quân và dân huyện Cần Đước liên tục tổ chức tấn công địch cho đến cuối tháng 3-1971. Do yêu cầu chung của chiến trường, Bộ Tư lệnh Miền quyết định xác nhập Phân khu II và Phân khu III, lấy tên là Phân khu 23.

Thời điểm này, lực lượng vũ trang của địa phương huyện Cần Đước còn khoảng 10 đồng chí, còn Tiểu đoàn 520 còn khoảng 20 đồng chí. Nhằm tạo điều kiện cho địa phương bám trụ từng bước củng cố lực lượng chiến đấu ngày càng đủ sức đánh địch khi có thời cơ, khoảng tháng 4-1971, Bộ Tư lệnh Miền tăng cường toàn bộ cán bộ chiến sĩ của Tiểu đoàn cho huyện Cần Đước. Sau khi Tiểu đoàn được bổ sung cho huyện Cần Đước, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn được phân công nhiệm vụ như sau: đồng chí Tám Công Tác - Tiểu đoàn Trưởng giữ chức vụ Huyện Đội trưởng; đồng chí Ba Thắng - Chính trị viên Tiểu đoàn, giữ chức vụ chính trị viên Huyện Đội. Các đồng chí còn lại được bố trí về Đại đội 315 bộ đội địa phương huyện chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 30-4-1975.

Từ khi Tiểu đoàn hành quân vượt sông Cửu Long về Phân khu III đến khi Tiểu đoàn được lệnh tăng cường cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ địa phương (huyện Cần Đước), Tiểu đoàn tổ chức đánh địch hơn 100 trận lớn nhỏ. Tiêu biểu như trận Cầu Móng xã Thanh Vĩnh Đông, trận lộ Thầy Ban ấp 2 xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, trận ấp 1, 2 trận ấp 2 xã Phước Tuy và nhiều trận khác của huyện Cần Đước. Tiểu đoàn đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn quân Mỹ, tiêu diệt hoàn toàn 1 đại đội, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn và nhiều trung đội, tiểu đội ngụy, bắn cháy 1 máy bay, tiêu diệt hơn 1.000 tên địch.

***

Tiểu đoàn 520 ra đời, chiến đấu trên quê hương Đồng Khởi anh hùng và quê hương Long An trung dũng kiên cường, chỉ tồn tại chưa đầy 4 năm nhưng đã lập được nhiều chiến công, góp phần cùng quân và dân cả nước nói chung, của Phân khu III nói riêng làm nên chiến thắng. Tiểu đoàn đã để lại dấu ấn và niềm thương yêu sâu sắc với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương, nơi mà Tiểu đoàn từng đóng quân và chiến đấu. Đó là hơn 300 cán bộ, chiến sĩ là con em của Bến Tre còn nằm lại trên mảnh đất này, 100 chiến sĩ đã nằm lại vùng đất Châu Thành và 200 chiến sĩ nằm lại vùng đất Cần Đước, Tân Trụ, Cần Giuộc (Long An).

Trong quá trình sống, chiến đấu trên mảnh đất Long An, các anh luôn được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che. Giờ nằm lại vùng đất Long An kiên cường, các anh luôn được nhân dân và chính quyền địa phương thường xuyên hương khói, chăm sóc mộ phần. Với những chiến công nêu trên, người dân nơi các anh sống và chiến đấu đã tôn vinh anh hùng và thật sự Tiểu đoàn 520 xứng đáng tuyên xưng anh hùng.

Khi chúng tôi thu thập thông tin để ghi lại quá trình hình thành và chiến đấu của Tiểu đoàn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Vị mong rằng, những người có trách nhiệm nên sưu tầm và hoàn thành thành tích của Tiểu đoàn để đề nghị tuyên dương anh hùng, vì họ rất xứng đáng. Thiếu tướng cũng mong có lần được đến nơi những người con Bến Tre chiến đấu, hy sinh để thắp nén hương tưởng nhớ và lạy tạ ơn những bà mẹ, những người chị đã từng che chở, nuôi giấu những người con kiên trung của Bến Tre trong vòng vây của kẻ thù.

Cao Đại Quang

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN