Tiểu đội “Xây lô cố” của bộ đội Bến Tre

02/08/2012 - 17:50

Tiểu đội Vệ quốc đoàn này gồm các anh lính trẻ ở Bến Tre trong Trung đội 3, sau là Đại đội 885 thuộc Trung đoàn 99 do ông Đồng Văn Cống chỉ huy.

Trung đội 3 thời đầu chống Pháp quân số trên trăm người, sau phiên hiệu lại là Đại đội 885 (Tiểu đoàn 295, Trung đoàn 99). Đại đội 885 sau rút ra một Trung đội cùng địa phương quân huyện An Hóa lập ra Đại đội 888 (còn có tên là Tiểu đoàn dân quân An Hóa).

Tiểu đội “Xây lô cố” trong Trung đội 3 lúc đó gồm các anh lính trẻ 13 - 15 tuổi như: Nguyễn Thành Nhơn (đã hy sinh năm 1952 ở Lái Niên, Rạch Giá) làm Tiểu đội trưởng; Phạm Văn Khoa (Chính trị viên), Bùi Quang Đơ (sau là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô Cần Thơ, Tiểu đoàn trưởng Đoàn 307 Quân khu 9, đã qua đời), Huỳnh Văn Mật (hy sinh năm 1952), Nguyễn Khắc Phối (sau là Đại tá QK9, đã qua đời), Nhiên (còn có tên Sáu Phú, sau là Thiếu tướng Tư lệnh phó QK9, đã qua đời), Đoàn Xê (sau là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), Biếu Trắng, Hòa, Răng (đen), Thiểu, Trực, Răng (trắng), Đẳng, Kim Sư, Hoàng Nam, Sáu Quyến, Ba Ngô, Pôl, Te, Chấn.

Nói là lính nhưng lúc ấy phần lớn các anh làm liên lạc, trinh sát, cầm cờ… có vài anh cầm súng mút Nhật, chỉ có Tư Đơ được mang cây carbin. Còn đánh giặc thì các anh tham gia đủ các trận như: Tân Hào, Châu Thới, Châu Phú, Lương Quới, Lộc Thuận, Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Phú Lễ, Ba Tri…

Người lập ra Tiểu đội này là bác Khương, anh Bảy Ngàn (sau là chính trị viên, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 295). Người tập hợp để ra mắt Tiểu đội là anh Cầm (lúc đó là Chính trị viên Trung đội 3) và anh Phán (đen) sau là Đại tá, cả hai đều đã qua đời. Riêng anh Cầm hy sinh lúc là Huyện đội trưởng Châu Thành, Bến Tre.

Gọi là Tiểu đội “Xây lô cố” vì tiểu đội lúc đó toàn là “nhóc” nhỏ được các anh sai vặt vì việc chung. Lúc đánh giặc, các anh rất “cưng” vì cầm cờ cùng xung phong trước như các anh lính chỉ huy đơn vị. Nhân dân Bến Tre yêu thương bộ đội, nuôi bộ đội thời đầu chống Pháp đến sau này. Bà con Bến Tre càng thương Tiểu đội “Xây lô cố” vì các anh còn trẻ măng mới rời khỏi nhà ra đi kháng chiến theo tiếng gọi “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”.

Đến cuối năm 1948, Trường Trung học kháng chiến Nguyễn Văn Tố Nam Bộ được mở tại xã Thới Bình (Bạc Liêu). Các anh Nhơn, Mật, Phối, Khoa được chú Bảy Đồng Văn Cống cho đi học, các anh còn lại được bố trí ở các Trung đội, Đại đội trực thuộc của Tiểu đoàn 295, Tiểu đoàn 297 Trung đoàn 99 Bến Tre.

Đến nay, lính của Tiểu đội “Xây lô cố” phần lớn đã qua đời, nhiều anh hy sinh, có anh trưởng thành là cấp tá, cấp tướng, là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội. Tất cả đã quá 80 tuổi, nay ai còn mạnh khỏe thì ghi nhớ, hồi tưởng một thời sôi nổi của tuổi xuân.

Nguyễn Hà Phan

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN