Xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non, kỳ III

Tìm giải pháp khắc phục việc thiếu giáo viên mầm non

30/10/2020 - 07:04

BDK - Thực trạng thiếu giáo viên (GV) mầm non (MN) hiện nay là vấn đề đại biểu HĐND tỉnh và bà con cử tri quan tâm. Ông Huỳnh Văn Cuộn - đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề: Qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, một trong những khó khăn lớn của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh nhà là tình trạng thiếu biên chế GV, nhất là ở GV cấp MN.

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non. Ảnh: PV

Tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở cấp mầm non. Ảnh: PV

Đối với thực trạng nêu trên, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết, qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, một trong những khó khăn lớn của ngành GD&ĐT tỉnh nhà là tình trạng thiếu biên chế GV, nhất là GV cấp MN. Cả tỉnh thiếu đến 769 GV MN công lập; trong đó, một số huyện thiếu GV nhiều là: Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm. Theo Thông tư liên tịch số 06 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục MN công lập: Bình quân 2,2 GV/nhóm, lớp (không tính cán bộ quản lý), nhưng do tình hình thiếu GV nên rất nhiều nhóm, lớp chỉ bố trí 1 GV/1 lớp, điều này gây khó khăn trong công tác quản lý và ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ.

Hiện nay, biên chế cấp MN được giao chỉ mới đáp ứng khoảng 82% so với định mức, nên còn xảy ra tình trạng thiếu GV/lớp và số lượng học sinh/lớp nhiều hơn so với quy định, làm ảnh hưởng đến chất lượng cung ứng dịch vụ giáo dục. Sở Nội vụ rất chia sẻ khó khăn này của ngành GD&ĐT, nên trong những năm qua, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Nội vụ đã tích cực phối hợp, hỗ trợ và đồng hành với ngành GD&ĐT trong giải quyết khó khăn chung về biên chế, để từng bước tháo gỡ vướng mắc này thông qua việc phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ quan có liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như sau:

Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT có giải pháp điều tiết biên chế giữa các cấp học; trong đó, chú trọng điều tiết biên chế dư so với định mức từ cấp TH, THCS, THPT sang cho cấp MN, để ưu tiên tuyển dụng GV MN. Kết quả từ năm 2015 đến nay, đã điều tiết được 70 biên chế; trong đó, có 42 biên chế từ khối TH, 28 biên chế từ khối THCS sang MN. Đồng thời, điều tiết biên chế từ các đơn vị sự nghiệp khác, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế có khả năng tự chủ cao (Trong năm 2018 đã điều tiết 580 biên chế từ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu sang cho sự nghiệp giáo dục để bổ sung cho cấp MN).

Ngoài ra còn tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện sắp xếp các trường, giảm đầu mối, giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW. Qua đó, đã giảm 5 trường và giảm 29 biên chế. Trong đó, sắp xếp hợp nhất 4 trường TH thành 2 trường TH; hợp nhất 2 trường THCS thành 1 trường THCS; hợp nhất 1 trường TH và 1 trường THCS thành trường TH - THCS và giải thể 1 trường THCS; sắp xếp giảm các điểm lẻ (giảm 41 điểm) để có thể cân đối biên chế điều tiết cho cấp MN.

Trong kế hoạch biên chế hàng năm, Sở Nội vụ đều tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt biên chế sự nghiệp GD&ĐT theo định mức; trong đó đặc biệt đề xuất bổ sung biên chế cho khối MN. Kết quả từ năm 2011 đến nay đã được Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung tổng cộng 110 biên chế (năm 2013: 40 biên chế, năm 2017: 70 biên chế).

 Tăng cường xã hội hóa giáo dục MN, thu hút đầu tư từ nguồn ngoài ngân sách nhà nước. Số trường MN ngoài công lập ngày càng tăng. Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nên biên chế cấp MN hàng năm từng bước được bổ sung tăng lên (biên chế năm 2020 tăng 371 biên chế so với năm 2015).

Mặc dù Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở GD&ĐT và các cơ quan có liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, dần bổ sung biên chế cho cấp  MN, để tiến tới mục tiêu bố trí biên chế cho cấp MN đủ theo định mức, nhưng số biên chế được điều tiết, bổ sung chưa đáp ứng được nhu cầu, đến nay, số biên chế cấp MN vẫn còn tình trạng thiếu so với quy định, nguyên nhân chủ yếu do thực hiện xã hội hóa hoạt động giáo dục MN ở tỉnh còn chậm và tỉnh đang trong giai đoạn thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW. Mặt khác, tổng biên chế của tỉnh có hạn, hàng năm phải giảm 487 biên chế, trong khi đó, số học sinh, số lớp học của cấp MN hàng năm đều tăng.

Nhằm giải quyết khó khăn về thiếu biên chế GV cấp MN, trong thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên.

 Khó khăn về biên chế của cấp MN là vấn đề bức thiết. Tuy nhiên thẩm quyền quyết định giao tổng biên chế cho tỉnh thuộc cơ quan Trung ương và trong bối cảnh tinh giản biên chế như hiện nay thì vấn đề này khó giải quyết thấu đáo. Với quyết tâm của các ngành, các cấp có liên quan trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ xã hội hóa giáo dục MN, Sở Nội vụ tin rằng, khó khăn về biên chế GV của cấp MN sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Trong tổng số 181 trường MN trên địa bàn tỉnh thì có 18 trường ngoài công lập được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là GV trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT để kịp thời thay cho số GV và viên chức y tế nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí GV dạy buổi thứ 2 trong ngày.

Hữu Hiệp (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích